Ưu tiên đầu tư tín dụng cho lĩnh vực truyền thống

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động đầu tư tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lào Cai II (Agribank Chi nhánh Lào Cai II), đặc biệt là cho vay xuất- nhập khẩu hàng hóa - lĩnh vực thế mạnh của ngân hàng này.

Nhờ ưu tiên đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, Mường Khương đã hình thành vùng chè, dứa hàng hóa.

Nhờ ưu tiên đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, Mường Khương đã hình thành vùng chè, dứa hàng hóa.

Từ những năm mới thành lập (tiền thân là Agribank Chi nhánh thành phố Lào Cai), Agribank Chi nhánh Lào Cai II là đơn vị tiên phong cho vay các doanh nghiệp kinh doanh xuất - nhập khẩu có dòng tiền thanh toán biên mậu. Trước năm 2018, tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu chiếm 25% - 40%/tổng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, dư nợ cho vay lĩnh vực xuất - nhập khẩu giảm mạnh. Theo tổng hợp của Agribank Chi nhánh Lào Cai II, từ năm 2018 đến năm 2021, dư nợ cho vay xuất - nhập khẩu chỉ chiếm từ 11% đến 20% (dư nợ cho vay xuất - nhập khẩu đến 31/12/2021 là 279 tỷ đồng/1.418 tỷ đồng, chiếm 19,6%/tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp).

Ông Phan Quang Đạo, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Lào Cai II cho biết: Những thay đổi về chính sách quản lý xuất - nhập khẩu của Trung Quốc và đặc biệt là đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tín dụng của Agribank Chi nhánh Lào Cai II trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu.

Đại dịch Covid-19 xảy ra từ tháng 1/2020 đến nay khiến hoạt động xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai bị ảnh hưởng, có thời điểm phía Trung Quốc ngừng hoạt động cửa khẩu từ 1 đến 3 tháng, khiến hàng hóa xuất - nhập khẩu không lưu thông được, dẫn đến các doanh nghiệp vay vốn kinh doanh xuất - nhập khẩu đã thu hồi vốn về trả nợ vay ngân hàng. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nghĩa Anh có thời điểm dư nợ chỉ còn hơn 10 tỷ đồng.

Mặt khác, từ năm 2016 đến nay, phía Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý thương mại, từ xuất - nhập khẩu tiểu ngạch sang xuất - nhập khẩu chính ngạch. Do đó, một số mặt hàng không truy xuất được nguồn gốc không xuất khẩu được như trước, dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất - nhập khẩu tại Lào Cai gặp khó khăn khi không đáp ứng được các quy định của Trung Quốc.

Một nguyên nhân nữa là sự cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực cho vay xuất - nhập khẩu hàng hóa ngày càng lớn. Thay vì “một mình một sân” như trước, Agribank Chi nhánh Lào Cai II phải cạnh tranh với 10 ngân hàng thương mại trong lĩnh vực cho vay xuất - nhập khẩu, dẫn đến phải chia sẻ thị phần.

Trước những khó khăn trong lĩnh vực cho vay xuất - nhập khẩu, Agribank Chi nhánh Lào Cai II đã linh hoạt, điều chỉnh, ưu tiên tối đa đầu tư tín dụng cho lĩnh vực truyền thống là “tam nông”. Ban Giám đốc Agribank Chi nhánh Lào Cai II xác định huy động vốn là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện các giải pháp huy động vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, cho vay, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của tất cả các thành phần kinh tế, các dự án khả thi, hiệu quả, chú trọng mở rộng cho vay kinh tế hộ, nhất là cho vay hộ nông dân tại khu vực nông thôn, cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Cử cán bộ tín dụng khảo sát nhu cầu vốn trên địa bàn và củng cố, thành lập mới các tổ liên kết vay vốn với hội nông dân và hội phụ nữ trên địa bàn được giao quản lý để chuyển tải nguồn vốn đến với nông dân. Tiếp tục cho vay đối với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, như nhập khẩu phân bón, xuất khẩu nông sản thông qua duy trì gói tín dụng cho vay xuất - nhập khẩu với lãi suất ưu đãi. Hỗ trợ lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn đối với các huyện 30a (lãi suất cho vay ngắn hạn 4,5%/năm, trung hạn 7,5%).

Đánh giá về chủ trương việc ưu tiên tối đa đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, ông Phan Quang Đạo khẳng định: 2 năm trở lại đây, dự nợ tại địa bàn các huyện chiếm tỷ trọng lớn hơn so với khu vực thành phố, nguyên nhân chính là các địa phương đã làm tốt việc cho vay trong lĩnh vực “tam nông”. Điều này thấy rõ qua dư nợ cho vay lĩnh vực “tam nông” đều tăng trưởng cao so với các lĩnh vực cho vay khác của Agribank Chi nhánh Lào Cai II. Cụ thể, dư nợ đến 31/12/2019 là 5.258 tỷ đồng, đến 31/12/2021 là 6.021 tỷ đồng, tăng 763 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu kỳ (trung bình tăng 7,2%/năm). Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đến 31/12/2019 là 3.123 tỷ đồng, đến 31/12/2021 là 3.676 tỷ đồng, tăng 553 tỷ đồng, tăng 17,7% so với đầu kỳ, chiếm tỷ trọng 61,1%/tổng dư nợ (trung bình tăng 8,9%/năm).

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353443-uu-tien-dau-tu-tin-dung-cho-linh-vuc-truyen-thong