Ưu tiên dùng cát biển cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Hiện việc khai thác cát sông đang gặp khó khăn, do đó lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu phải ưu tiên khai thác cát biển, tăng công suất khai thác để hoàn thành công tác đắp nền cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Ngày 15/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có buổi kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Theo báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận, sản lượng thi công dự án đến nay đạt 46% kế hoạch, chậm 11%. Toàn tuyến có 117 cầu, hiện nhà thầu đã hoàn thành xong bản mặt 45 cầu, dự kiến toàn bộ các cầu trên tuyến chính hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Về phần đường, nhà thầu vẫn đang tập trung bơm cát gia tải, cắm bấc thấm trên toàn tuyến. Về nguồn vật liệu cát, hiện nhà thầu đã đưa về công trường 9,8 triệu m3, còn thiếu 5,67 triệu m3. Để đảm bảo hoàn thành công tác đắp gia tải trong năm 2024, chủ đầu tư đã làm việc với các địa phương để nâng công suất khai thác cát trong giai đoạn cao điểm.
Về tình hình thi công, Ban QLDA Mỹ Thuận đánh giá, một số nhà thầu chưa thật sự thi công quyết liệt, do đó các đơn vị cần tăng cường nhân lực, thiết bị, bổ sung các mũi thi công, bố trí đủ tài chính, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" như cam kết.
Sau khi nghe đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm khẳng định, để hoàn thành mục tiêu đưa dự án về đích vào năm 2025, Ban QLDA Mỹ Thuận phải xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, phù hợp "đường găng" tiến độ của dự án để làm cơ sở cho các nhà thầu triển khai.
“Chúng ta xác định dự án sẽ phải hoàn thành vào ngày 31/12/2025. Thời gian không cho phép kéo dài tiến độ, do đó, các khó khăn trên công trường phải sớm giải quyết. Đối với hạng mục cầu, đây không phải là các cầu lớn, phức tạp, tuy nhiên các nhà thầu chưa thật sự quyết tâm để hoàn thành. Trong giai đoạn tiếp theo, nhà thầu phải chủ động về dầm, tránh để phụ thuộc và bị động vào các đơn vị cung cấp. Bên cạnh đó, việc hoàn thành các cầu và thông tuyến sẽ giúp đẩy nhanh các hạng mục về sau”, Thứ trưởng lưu ý.
Liên quan đến nguồn vật liệu cát, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhận định, hiện việc khai thác cát sông đang gặp một số vấn đề khó khăn như thủ tục khai thác, gia hạn mất nhiều thời gian, công suất khai thác tại các mỏ chưa đáp ứng nhu cầu thi công. Trong khi đó, việc khai thác cát biển đang có nhiều thuận lợi.
Hiện nay, trữ lượng nguồn cát biển rất lớn. Theo kế hoạch, nhà thầu có thể khai thác cát biển 30.000 m3/ ngày. Tuy nhiên, việc điều phối cát và tổ chức thi công trên công trường chưa hợp lý, dẫn đến việc đẩy sức ép sang cát sông.
“Nếu chúng ta đẩy mạnh khai thác cát biển và đưa cát về dự án, khi đó nhu cầu cát sông của dự án sẽ giảm. Số lượng cát dư ra sẽ được phân bổ cho các dự án khác như đường Vành đai 3, dự án đường Hồ Chí Minh… Vì vậy, các nhà thầu cần phải tăng công suất khai thác tối đa, tăng cường thêm tàu hút, sà lan để vận chuyển cát biển về các gói thầu tại đoạn tuyến Hậu Giang - Cà Mau như đã tính toán”, Thứ trưởng yêu cầu.
Đối với các đoạn tuyến còn lại, nếu việc lấy cát sông gặp khó khăn, nhà thầu phải chủ động mua cát thương mại, chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật tối ưu, từ đó rút ngắn được thời gian gia tải và kết thúc công đoạn này vào 31/12 như cam kết.
Ngoài việc chủ động về nguồn cát, nhà thầu cũng phải tập kết đá cho các hạng mục tiếp theo. Do nhu cầu của các dự án rất lớn nên nhà thầu phải chủ động, linh hoạt ngay từ bây giờ, không để rơi vào tình huống bị động.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian cho dự án không còn nhiều, trong khi đó thời tiết có nhiều biến động, mưa bão bất thường, do đó nhà thầu phải tính toán thời gian cho phù hợp. Để đẩy nhanh dự án, các đơn vị phải hoàn thiện đồng bộ đường công vụ, điều phối cát hợp lý, tổ chức thi công hài hòa giữa các nhà thầu với nhau.
"Ban QLDA Mỹ Thuận cùng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng phải xử lý triệt để các phát sinh, khó khăn vướng mắc. Hạng mục nào không đáp ứng phải sớm điều chuyển, phân bổ để đáp ứng tiến độ chung của toàn dự án", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo.