Ưu tiên giải quyết ngay các vướng mắc thực tiễn
Rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật là một trong các đột phá thể chế được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và ưu tiên nhằm tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Nghị quyết số 19/NQ-CP hay Nghị quyết số 02/NQ-CP trước đây được xây dựng trên nguyên tắc thống nhất về mục tiêu cải cách và nội dung có tính kế thừa, tiếp nối qua các năm. Đặc biệt, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 được thiết kế cho cả giai đoạn 2022 - 2025.
Năm 2023, nhiệm vụ và giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đưa vào Nghị quyết số 01/NQ-CP (tại khoản b, điểm 4, mục II). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc Chính phủ gộp Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm khẳng định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là cách tiếp cận mới, phù hợp với bối cảnh mới, nhất là khi “hoạt động sản xuất - kinh doanh còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao”, như nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 3/3.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực, thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng quốc tế tiếp tục được cải thiện, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đánh giá môi trường kinh doanh chưa bền vững, chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. Môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có bất cập chính sách. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, thậm chí thời gian gần đây, mức độ rủi ro càng tiềm ẩn lớn hơn.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên…) là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp và dẫn đến khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư.
Mặt khác, tâm lý lo ngại làm sai là tình trạng phổ biến ở các cấp thực thi. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng tới các kết quả cải cách đã đạt được trong thời gian qua. “Doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều thể hiện sự khó khăn, không đặt nhiều triển vọng về mở rộng sản xuất - kinh doanh trong năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, việc ban hành, thực hiện các chính sách cần bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, có khả năng dự báo, tránh thực hiện giật cục để hạn chế tối đa khó khăn, thách thức phát sinh đối với doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng đến các kết quả cải cách đã đạt được trong thời gian qua.
Chủ động giải quyết các vướng mắc pháp lý
Theo nhận định của các thành viên Chính phủ và các chuyên gia, thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế còn phức tạp, khó lường. Trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và ngày càng gia tăng, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô rất lớn.
Do đó, tinh thần xuyên suốt được người đứng đầu Chính phủ thường xuyên chỉ đạo thời gian qua là chủ động giải quyết các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các vướng mắc về pháp lý, tinh thần là đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể.
“Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Trước các vướng mắc thực tiễn, các vấn đề mà cuộc sống đặt ra, thì phải ưu tiên giải quyết ngay”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh điều này trong kết luận phiên họp hôm 3/3.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Ngân hàng Nhà nước cũng được giao nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định; nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát; thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất.
Đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước rà roát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường nói chung. Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội...
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đẩy mạnh đầu tư phát triển, nhất là các dự án đầu tư mới có quy mô lớn, hiệu quả, lan tỏa cao, ứng dụng công nghệ, tập trung vào các ngành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ hạng năng lực cạnh tranh phấn đấu đến năm 2025
a) Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn Kinh tế thế giới -WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.
b) Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu.
c) Năng lực Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu.
d) Chính phủ điện tử (của UN) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu.
đ) Quyền tài sản (của Liên minh Quyền tài sản) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu.
e) Hiệu quả logistics (của Ngân hàng Thế giới - WB) tăng ít nhất 4 bậc.
g) Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.
h) An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) tăng ít nhất 3 bậc.
Nguồn: Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/uu-tien-giai-quyet-ngay-cac-vuong-mac-thuc-tien-d184883.html