Ưu tiên kiên cố hóa trường, lớp học
Cơ sở vật chất trường lớp học được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh tích cực hỗ trợ cùng ngành Giáo dục quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Việc kiên cố hóa trường, lớp học ở vùng đặc biệt khó khăn được ưu tiên nguồn lực đầu tư đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện học tập, giảng dạy, ngay trước thềm năm học 2023 - 2024, các đơn vị thi công đã tiến hành tháo dỡ Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ phục vụ việc xây mới, nâng cấp trường. Xác định việc thi công công trình diễn ra trong thời điểm năm học sẽ gây không ít khó khăn cho công tác dạy và học của nhà trường, chủ đầu tư đã yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa công trình vào sử dụng. Việc thi công tăng ca, tăng kíp được các nhà thầu thực hiện suốt mấy tháng qua. Khắc phục mọi khó khăn, đội ngũ kỹ thuật, công nhân phân ca kíp, làm việc bất kể ngày đêm hoàn thành các hạng mục công trình, giúp thầy và trò Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ sớm thoát khỏi cảnh “trường mượn, lớp tạm”.
Những thiết bị, dụng cụ thí nghiệm này đã cấp cho Trường THCS Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) phục vụ việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, song vì không có phòng chức năng nên phải lưu giữ trong thư viện nhà trường. Cơ sở vật chất phòng lớp học của trường được xây dựng từ năm 2007 nhưng chỉ vỏn vẹn 10 phòng học, trong đó 1 phòng thư viện thiết bị và 1 phòng tin học nên chưa có không gian dành cho thực hành. Vì vậy, việc giảng dạy các môn học yêu cầu thực hành, thí nghiệm dừng lại ở mức độ hạn chế. Năm học 2023 - 2024, nhà trường được đầu tư xây dựng thêm 4 phòng học chức năng và các công trình phụ trợ. Đó chính là niềm mong mỏi của thầy và trò nhà trường suốt thời gian qua. Với sự ưu tiên đầu tư này, nhà trường sẽ có đầy đủ phòng học bộ môn để tổ chức dạy học thực hành, thí nghiệm theo yêu cầu của chương trình môn học.
Trường THCS Ngối Cáy không chỉ thiếu phòng học chức năng mà còn thiếu 50% số phòng nội trú cho học sinh. Hiện nay, toàn trường có 8 lớp với gần 300 học sinh; trong đó 80 học sinh nội trú. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có 5 phòng nội trú nên các em phải ở trong không gian khá chật hẹp. Nỗi lo phòng ở chật hẹp sẽ không còn nữa khi nhà trường đã được đầu tư xây dựng 4 phòng học chức năng và 5 phòng ở nội trú cho các em cùng công trình phụ trợ với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng. Hiện nay, công trình đang trong quá trình xây dựng sắp hoàn thành, đáp ứng niềm mong mỏi của thầy trò nhà trường.
Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong trang bị, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học. Bằng sự nỗ lực của ngành Giáo dục và sự chung tay góp sức của các đơn vị, nhà hảo tâm, mạng lưới trường lớp học trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tính riêng 5 năm gần đây, ngành Giáo dục tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng 258 phòng học; 118 phòng ở bán trú; 101 phòng công vụ; 29 nhà bếp, nhà ăn; 105 phòng vệ sinh… Nhờ vậy, cơ sở vật chất trường lớp học trên địa bàn tỉnh ngày càng kiên cố và khang trang; góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Việc quan tâm, ưu tiên hỗ trợ, đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học đã giúp cho nhiều trường, lớp học ngày càng khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu dạy và học theo các chương trình giáo dục phổ thông mới. Và hơn thế, việc kiên cố hóa trường lớp học giúp cho giáo viên nhất là những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa yên tâm bám trường, bám lớp. Khi điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học tập đảm bảo, phụ huynh cũng phấn khởi và tin tưởng hơn cho con em mình đến trường, nâng cao tỷ lệ huy động học sinh ra lớp. Trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu học tập, giảng dạy là điều kiện tiên quyết nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh miền núi, biên giới khó khăn như Điện Biên.