Ưu tiên nguồn lực để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo
Những năm qua, Gia Lai đã dành nhiều nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 7,04%. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Kinh phí thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là 1.268 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% (năm 2015) giảm xuống còn 7,04% (cuối năm 2019) và phấn đấu giảm còn 4,5% vào cuối năm 2020. Riêng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số giảm từ 40,18% (năm 2015) xuống còn 14,87% (cuối năm 2019) và phấn đấu giảm còn 7% vào cuối năm 2020. Cơ sở hạ tầng ở một số huyện nghèo được quan tâm đầu tư; đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy công tác giảm nghèo thu được kết quả khả quan nhưng vẫn chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ người dân tộc thiểu số còn cao; tỷ lệ tái nghèo ở một số địa phương gia tăng. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: Thời gian qua, huyện đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho công tác giảm nghèo. Ủy ban nhân dân huyện phân công các phòng, ban, đơn vị trực tiếp phụ trách giúp đỡ hộ nghèo. Riêng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội được phân công hỗ trợ 37 hộ nghèo dân tộc thiểu số ở xã Ia Rong. Phòng đã kêu gọi, vận động 85 đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ này với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cũng đã tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi giúp người dân phát triển sản xuất.
Là hộ thoát nghèo cuối năm 2019, ông Nguyễn Ái Đính (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) bày tỏ: “Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua phân bón và hỗ trợ cây-con giống để phát triển sản xuất. Mới đây, gia đình tôi còn được Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà. Mong rằng thời gian tới, Nhà nước tiếp tục quan tâm giúp đỡ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn”.
Tính đến hết năm 2019, huyện Chư Pưh còn 1.155 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,8%, trong đó có 981 hộ nghèo người dân tộc thiểu số, chiếm 85% hộ nghèo toàn huyện. Huyện đặt mục tiêu trong năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,1% so với năm 2019. “Mục tiêu đặt ra cao nhưng thực tế khó thực hiện được, qua tính toán ước chỉ giảm được khoảng 2-3% hộ nghèo. Vì qua khảo sát nguy cơ tái nghèo trong năm 2020, huyện có khoảng 35 hộ thuộc diện này. Nguyên nhân là do hồ tiêu bị chết hàng loạt; cà phê, cao su, điều... mất mùa, mất giá nên nguồn thu nhập của người dân bị giảm sút mạnh, cuộc sống vô cùng khó khăn”-ông Nguyễn Như Trường thông tin.
Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, không chỉ huyện Chư Pưh mà các huyện: Kbang, Ia Pa, Đức Cơ... nguy cơ tái nghèo cũng cao. Trước tình hình này, các địa phương đã đưa ra giải pháp chống tái nghèo và giảm nghèo bền vững, trong đó, chú trọng giải quyết việc làm, đất sản xuất, cây-con giống, hỗ trợ vốn vay để giúp người dân phát triển sản xuất, đem lại thu nhập ổn định.
Ông Lê Văn Thịnh-Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) cho rằng: “Các cấp, các ngành cần tiếp tục hỗ trợ chương trình phục vụ dân sinh, đặc biệt là tạo sinh kế cho người nghèo như: hỗ trợ bò, dê, cây-con giống để phát triển sản xuất, giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Trao đổi với P.V, ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ-cho hay: “Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tác động rất lớn đối với công tác giảm nghèo. Đề nghị Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách này để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mở rộng sản xuất, đem lại thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững”.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm xuống dưới 1%/năm, đặc biệt quan tâm các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả và bền vững.
“Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,5%, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số là 7%. Để đạt được mục tiêu đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ chính sách, dự án đến từng hộ nghèo; ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi để hộ nghèo có thêm điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững, đem lại hiệu quả trong sản xuất và đời sống”-bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh.