Ưu tiên nguồn lực phát triển trường chất lượng cao tại các vùng, khu vực kinh tế trọng điểm

Sáng 7/1, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên thảo luận.Dự phiên họp, tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu Quốc hội công tác tại tỉnh Lào Cai.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công, giai đoạn 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong năm 2022, 2023 là khoảng 350.000 tỷ đồng.
Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu dự kiến như: Mở cửa nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Phát biểu ý kiến thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng: Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải có các giải pháp, chính sách nhanh chóng hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế để không ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm đã đề ra. Do vậy, việc xây dựng Chương trình cùng với chính sách tài khóa, tiền tệ tại thời điểm này là hết sức phù hợp và cần thiết nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” với xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu ý kiến thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu ý kiến thảo luận.

Để Chương trình phục hồi kinh tế đạt mục tiêu đề ra, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đã đề xuất với Quốc hội một số ý kiến:
Về phân bổ nguồn lực đối với lao động, việc làm và an sinh xã hội, đại biểu cho biết: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý III năm 2021, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid -19, khiến họ bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… cao nhất trong vòng 10 năm qua. Do tác động của đại dịch Covid - 19, các doanh nghiệp đã tích cực đổi mới tăng trưởng và tăng năng suất, điều này đỏi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ và theo đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg; công tác chuẩn bị đầu tư đối với các trường chất lượng cao đã được bộ, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng triển khai đầu tư khi được bố trí vốn.
Do vậy, đại biểu rất mong Chính phủ ưu tiên ngay ngân sách trong Chương trình này để tập trung đầu tư phát triển một số trường chất lượng cao tại các vùng, khu vực kinh tế trọng điểm nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu của quá trình phục hồi kinh tế và mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Về nội dung cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đồng ý với phương án 1 như đề xuất của Chính phủ. Lý giải thêm điều này, đại biểu cho rằng phương án đã thể hiện sự động viên, khuyến khích của Nhà nước đối với tinh thần chung tay của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Nội dung này đã được thực hiện cho kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021 theo Nghị định 44/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, Chính phủ cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về xác định giá trị của hiện vật ủng hộ hoặc tài trợ theo giá trị thực tế, kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp; nhưng không được làm tăng giá thành sản phẩm. Đồng thời giao cơ quan thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế các khoản ủng hộ để xác định giá trị chi phí được trừ theo đúng quy định của pháp luật nhằm tránh trường hợp lợi dụng, nâng giá trị hiện vật ủng hộ để tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, theo dự thảo Chính sách này sẽ áp dụng từ “kỳ tính thuế năm 2022 đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19”. Trong khi đó, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định “khi công bố hết dịch là khi không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định” Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid- 19 luôn xuất hiện biến chủng mới, khó xác định được thời hạn hết dịch, nên một số nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã chuyển sang chiến lược “thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xác định rõ thời gian áp dụng nội dung này của chính sách.
Trong buổi chiều 7/1, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận trực tuyến về nội dung nêu trên và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Các thành viên Chính phủ có liên quan phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351565-uu-tien-nguon-luc-phat-trien-truong-chat-luong-cao-tai-cac-vung-khu-vuc-kinh-te-trong-diem