Ưu tiên phát triển chuỗi liên kết nông sản an toàn

Nhiều năm qua, câu chuyện sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa “gặp” nhau là một trong những bài toán khó của ngành Nông nghiệp. Vài năm gần đây, các mô hình liên kết sản xuất an toàn được Đồng Nai ưu tiên phát triển và nhân rộng nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông dân xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu tham gia Tổ hợp tác Nuôi cá tra VietGAP để có đầu ra bền vững. Ảnh:B. Nguyên

Nông dân xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu tham gia Tổ hợp tác Nuôi cá tra VietGAP để có đầu ra bền vững. Ảnh:B. Nguyên

Trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất an toàn đáp ứng tốt nhu cầu cả thị trường nội địa và xuất khẩu, các tổ hợp tác, HTX đã phát huy tốt vai trò làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Vai trò của doanh nghiệp là đầu tàu trong giải quyết đầu ra cho nông sản trong chuỗi liên kết ngày càng được khẳng định.

* Thay đổi nhận thức về liên kết

Đồng Nai nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư dự án cánh đồng lớn. Tuy nhiên, nhiều chuỗi liên kết vẫn dễ dàng đứt gãy, chưa thật sự phát huy hiệu quả, chưa xứng với tiềm năng. Trong đó, có nguyên nhân năng lực của HTX với vai trò làm cầu nối còn yếu, nông dân chưa thật sự tin tưởng vào chuỗi liên kết.

Theo ông Võ Văn Phi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, xác định liên kết trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi giúp nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, Hội Nông dân tỉnh rất quan tâm hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn.

Những e ngại của nông dân về hiệu quả hoạt động của HTX, của chuỗi liên kết đang dần thay đổi chính từ thực tế hoạt động của các HTX. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) cho biết, đến nay, HTX đã phát triển được 70ha chuối già Nam Mỹ sản xuất đạt chuẩn an toàn xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Hiện sản phẩm của HTX đang xuất khẩu tốt vào thị trường Hàn Quốc và đã có đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu. Hiện xưởng đóng gói, sơ chế chuối xuất khẩu của HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động tại địa phương. Ông Hùng chia sẻ thêm: “HTX đã thuyết phục nông dân tham gia từ chính hiệu quả hoạt động của đơn vị. Nhờ không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu, bao tiêu sản phẩm chuối sạch của các xã viên với giá tốt, ổn định nên HTX thu hút thêm nhiều hội viên và thuyết phục nông dân chuyển đổi theo hướng sản xuất hữu cơ, đạt chuẩn xuất khẩu”.

Cùng quan điểm, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho hay, HTX là đầu mối ký hợp đồng bao tiêu bắp, gạo sạch của xã viên với giá tốt, ổn định. Ngoài ra, HTX còn nhiều hoạt động hỗ trợ cho xã viên, nông dân tại địa phương như: cung cấp vật tư, dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ xã viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi… giúp nâng cao thu nhập cho các xã viên. Cụ thể, thu nhập của xã viên HTX tăng từ 1,2-1,5 lần so với trước. “Chính từ sự hỗ trợ thiết thực, các xã viên, nông dân địa phương ngày càng tích cực tham gia chuỗi liên kết. Dự kiến, HTX sẽ tiếp tục mở rộng liên kết với những HTX, CLB sản xuất khác để nhân rộng vùng sản xuất sạch cung cấp nông sản cho thị trường xuất khẩu” - ông Quang nói.

* Kết nối doanh nghiệp và nông dân

Ông Lê Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Donafarm (TP.Biên Hòa) khẳng định, vai trò của doanh nghiệp là đầu tàu trong giải quyết đầu ra cho nông sản. Thực tế nhiều chuỗi liên kết sản xuất, doanh nghiệp đóng vai trò chính đưa nông sản xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Donafarm mong muốn tập hợp những trang trại uy tín với nông sản chất lượng, có chứng nhận…góp phần xây dựng uy tín thương hiệu nông sản Đồng Nai để nông sản nội tỉnh không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà xuất khẩu vào cả những thị trường khó tính nhất. “Điều chúng tôi đang tập trung thực hiện là bắt tay với các HTX, chủ trang trại nâng tầm những chuỗi liên kết nhỏ, kết nối tạo được cộng đồng lớn hơn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, nông dân” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Mười, Tổng thư ký Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là trong xuất khẩu đều bị trì trệ. Theo đó, nông dân phải thay đổi từ cái gốc sản xuất, trước mắt là sản phẩm có uy tín chất lượng thuyết phục tốt người tiêu dùng trong nước. Sau đó, từng bước ứng dụng các giải pháp công nghệ để sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu của những thị trường xuất khẩu khó tính nhất.

Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với Hội Nông dân Đồng Nai nhằm tăng cường kết nối giữa những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh nông nghiệp chuyển giao, hỗ trợ nông dân về các giải pháp công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản để nông sản đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, gần đây, Hội Nông dân tỉnh đã khai trương Khu Trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nông dân tỉnh đặt tại trụ sở Hội nhằm hỗ trợ nông dân quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ đặc sản, nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân, nhất là thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết để chuyển giao các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho nông dân, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn tham gia thị trường xuất khẩu.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202010/uu-tien-phat-trien-chuoi-lien-ket-nong-san-an-toan-3028374/