Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng

Theo các chuyên gia, Hà Nội đang có tốc độ gia tăng dân số cơ học rất cao, việc xây dựng chính sách quy hoạch đô thị về giao thông công cộng gắn với mô hình giao thông công cộng có thể là 'lời giải' giúp Hà Nội phát triển theo xu hướng hình thành đô thị nén, biến khó khăn thách thức thành cơ hội thực sự cho hiện tại và cả tương lai.

Giải tỏa những điểm nóng về giao thông

Phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Mục tiêu của định hướng giao thông công cộng là phải đạt được sự thuận tiện với khách bộ hành, người đi làm hàng ngày, khách du lịch...

Nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phong cách, đội ngũ nhân viên phục vụ xe buýt thân thiện, tận tụy, nhiệt tình… là những dấu ấn được ghi nhận từ dư luận dành cho xe buýt thời gian gần đây.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phong cách, đội ngũ nhân viên phục vụ xe buýt thân thiện, tận tụy, nhiệt tình… là những dấu ấn được ghi nhận từ dư luận dành cho xe buýt thời gian gần đây.

Từ nhiều năm nay giao thông công cộng đã trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế quy hoạch đô thị ở các nước phát triển. Đối với nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, việc vận dụng nguyên lý giao thông công cộng vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị không chỉ mang lại những lợi ích và hiệu quả thuyết phục kể trên mà còn giải tỏa được những điểm nóng về giao thông, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Năm 2017, Hà Nội đã lập đồ án Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và phụ cận theo mô hình TOD. Tuy nhiên, đây là đồ án được đánh giá còn nhiều hạn chế như: Quá chú trọng bất động sản mà xem nhẹ vai trò trọng yếu là hiện đại hóa giao thông đô thị; tập trung vào lợi ích thương mại mà bỏ qua nhiệm vụ phát triển không gian công cộng, tăng cường kết nối xã hội; lợi ích tập trung vào nhóm đầu tư nhỏ mà không hướng tới chia sẻ cơ hội chung cho cộng đồng. Những hạn chế này ẩn chứa nhiều rủi ro đầu tư bởi lẽ dự án quy mô rất lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong khi thực hiện trong thời gian dài.

Theo báo cáo rà soát của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, việc phát triển mô hình TOD tại Hà Nội chưa đạt hiệu quả, nguyên nhân là đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa đề xuất được cụ thể về mức độ, quy mô, phạm vi cụ thể của các khu vực TOD quan trọng của Thủ đô, chưa lồng ghép được các khuyến nghị, kết quả nghiên cứu, đề xuất của Dự án HAIMUD7. Đối với đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do tính chất của loại hình quy hoạch chuyên ngành giao thông, nên đồ án cũng chỉ đề xuất được các nguyên tắc chính, chưa gắn kết được với nội dung quy hoạch sử dụng đất, không gian… khu vực xung quanh các nhà ga.

Góp ý nhằm đảm bảo chính sách ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Tiến sĩ Mai Thị Mai - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hướng việc ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ngay từ khía cạnh chính sách phát triển đô thị, phát triển quản lý hạ tầng, huy động nguồn tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô, cũng như cơ chế thu hút đầu tư xã hội và nhà đầu tư chiến lược để có thể xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Về cơ bản, các nội dung để tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ghi nhận trong Dự thảo Luật Thủ đô đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh.

Cũng theo Tiến sĩ Mai Thị Mai, qua phân tích ở trên có thể thấy, nếu xác định TOD là một giải pháp quy hoạch cho Hà Nội trong việc hướng tới người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường thì các quy định về TOD nên được nhấn mạnh hơn, trở thành một trong những trọng tâm cần được lưu ý trong chính sách phát triển đô thị của Thủ đô. Do đó, các nội dung điều chỉnh về TOD trong Dự thảo luật Thủ đô cần được tách riêng ra thành một điều khoản độc lập với nội dung về xây dựng phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Trong điều khoản này sẽ tập hợp toàn bộ các điều khoản quy định về TOD nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau về quản lý hạ hầng, huy động tài chính, huy động nhà đầu tư…

Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ

Để triển khai được các định hướng lớn nêu trên theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cần giảm khối lượng giao thông tại khu vực nội thành; hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trong đô thị trong đó định hướng chung là phát triển hệ thống giao thông công cộng sức chứa lớn, với cốt lõi là hệ thống đường sắt đô thị, bus, BRT; giảm phương tiện cá nhân; thúc đẩy giao thông xanh, giảm phát thải. Trong đó cấp bách là nhu cầu xây dựng nhanh, hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; luật hóa những chính sách hỗ trợ người đi bộ, người xe đạp và người khuyết tật trong giao thông đô thị.

Việc chú trọng phát triển giao thông công cộng được xem là “chìa khóa” để giải bài toán ùn tắc tại nội đô. (Ảnh: Đinh Luyện)

Việc chú trọng phát triển giao thông công cộng được xem là “chìa khóa” để giải bài toán ùn tắc tại nội đô. (Ảnh: Đinh Luyện)

Tổ chức giao thông hiệu quả trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện cơ chế tài chính huy động được các nguồn lực trong nước, ngoài nước, nhà nước, xã hội hóa đầu tư cho các dự án giao thông và cơ chế thực hiện các dự án giao thông đặc thù cho Hà Nội…

Đặc biệt Hà Nội cần có hành lang pháp lý để hình thành một Quỹ đặc biệt cho giao thông công cộng của Hà Nội để tập trung các nguồn lực tài chính từ xã hội vào Quỹ này và tạo ra được nguồn đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển chính sách giao thông và tài trợ cho việc vận hành hệ thống giao thông công cộng cho thành phố.

Theo kinh nghiệm của các siêu đô thị tại châu Á (Seoul, Tokyo), nguồn thu từ quỹ này hình thành từ một phần nhỏ trong thuế nhiên liệu, thuế ô tô và nguồn thu từ phí gây tắc nghẽn giao thông. Ở Thủ đô Hà Nội, việc thu phí còn có thể áp dụng cho việc thu phí vận tải của các phương tiện siêu trường, siêu trọng cần cấp phép đặc biệt khi lưu thông trong đô thị.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/uu-tien-phat-trien-he-thong-giao-thong-cong-cong-159969.html