Ưu tiên sản xuất, cấp giấy phép đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Thời gian đăng ký, thời gian khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật sinh học chỉ bằng 1/2 so với thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chi phí đăng ký cũng giảm một nửa so với thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Thuốc bảo vệ thực vật là một loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên việc lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, việc đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc hại khi sử dụng đang được ưu tiên hơn.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn trực tuyến “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững” do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 28/12.

Xu thế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ sử dụng thuốc hóa học gây ra những hậu quả xấu về an toàn thực phẩm, môi trường, đa dạng sinh học, hiện tượng kháng thuốc và bùng phát dịch hại… Giải pháp sử dụng các biện pháp sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu, phù hợp với Quy trình phòng chống dịch hại tổng hợp (chiến lược IPM), tăng trưởng xanh và đạt được sự đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới.

Thống kê cho thấy nếu như tổng giá trị thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học năm 2023 được dự báo là 6,7 tỷ USD thì năm 2028 dự báo sẽ tăng lên 13,9 tỷ USD. Tăng trưởng bình quân về giá trị 15,9%/năm. Dự báo, năm 2040-2050, giá trị thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ bằng và vượt giá trị thị trường thuốc hóa học.

Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ Thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm tại Việt Nam từ năm 2020-2023, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng từ 768 lên 810 tên thương phẩm được phép sử dụng.Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Đề án phát triển sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2023, tầm nhìn 2050.

“Cục Bảo vệ thực vật đã rất nỗ lực trong 2 năm vừa qua để hoàn thiện Đề án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong đó đã cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để làm sao trong thời gian tới chúng ta hướng tới được một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, đặc biệt thực hiện được các mục tiêu mà Đề án đã đề ra,” bà Hương nhấn mạnh.

 Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững”. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững”. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đẩy mạnh sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An bày tỏ phấn khởi khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành các đề án mới về sức khỏe cây trồng. Việt Nam có đa dạng sinh học thảo dược và xác sinh vật có thể trở thành phân bón hữu ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, về phát triển sinh sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ông Huy cho rằng công tác quản lý đang tiến hành rất chặt. Doanh nghiệp muốn đưa một chủng loại mới đi đăng ký đều gặp khó khăn trong khâu khảo nghiệm, chi phí cao nên việc phát triển sản phẩm có nhiều trở ngại.

Do đó, ông Huy kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật cần tạo thông thoáng hơn trong khâu đăng ký lưu hành cho doanh nghiệp, chuyển sang hậu kiểm khi đăng ký sản phẩm mới, chỉ kiểm soát chất cấm trong sản phẩm. Bên cạnh đó, ông Huy cũng kiến nghị thúc đẩy khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sinh học, đưa các công nghệ sản xuất mới trên thế giới về Việt Nam nhanh hơn, cập nhật sớm hơn.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định thuốc bảo vệ thực vật là một loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo việc kiểm soát sâu bệnh, tránh ảnh hưởng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc sử dụng, lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

“Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã ưu tiên thực hiện đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc hại; đồng thời rà soát, loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững,” ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.

Ông Đạt khẳng định hiện nay việc quản lý, đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang được ưu tiên hơn thuốc hóa học. Thời gian đăng ký, thời gian khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật sinh học chỉ bằng 1/2 so với thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chi phí đăng ký cũng giảm một nửa so với bảo vệ thực vật hóa học./.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học xuất khẩu hàng năm trung bình 600 tấn/năm, chiểm khoảng 5% so tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu là Đài Loan, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản...; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia chiếm tỷ lệ 51,4% và Đài Loan 32,9%.

Lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu hằng năm của nước ta trung bình 18.000 - 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 15-20% so tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu. Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU, ASEAN…

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/uu-tien-san-xuat-cap-giay-phep-doi-voi-thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-post918138.vnp