Ưu tiên tạo nguồn lao động cho ngành công nghiệp bán dẫn
Xác định rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung các điều kiện tốt nhất sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư ngành công nghiệp này. Để giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, tỉnh cần có chính sách đặc thù ưu tiên, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp này.
Nhiều tiềm năng nhưng còn hạn chế về nhân lực
Công nghiệp bán dẫn là một ngành công nghệ cao, đem lại nhiều giá trị gia tăng và là nền tảng hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Nắm bắt cơ hội đó, những năm gần đây, Bắc Giang đã và đang là tỉnh đi đầu về sự phát triển của ngành công nghiệp này với một số doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn như: Công ty TNHH Si Flex Việt Nam, Công ty TNHH Hana Micron Vina, Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam.
Thực tế, để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất ngày càng mở rộng của doanh nghiệp trên địa bàn và chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết đón làn sóng đầu tư mới trong ngành công nghiệp bán dẫn, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn triển khai mô hình liên kết với Công ty Hana Micron Vina trong đào tạo kỹ sư thực hành ngành điện tử, bán dẫn. Đồng thời, tổ chức 2 đoàn công tác đi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) để tìm hiểu, ký kết MOU với các trường đại học của Nhật Bản, Đài Loan trong hợp tác đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Cùng với đó, tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, hỗ trợ 100% học phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi học thạc sỹ công nghệ thông tin và học cử nhân công nghệ thông tin đối với những người đã tốt nghiệp đại học ngành gần với công nghệ thông tin - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết.
Dẫu vậy, thông tin về thực trạng lao động ngành công nghiệp bán dẫn tại các Khu công nghiệp Bắc Giang, đại diện Khu Công nghiệp tỉnh cho biết: Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh hiện nay là 8.074 người. Lao động được tuyển vào của doanh nghiệp đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật chủ yếu tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp các chuyên ngành về lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa… Song, do công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp này còn nhiều hạn chế, chủ yếu từ các ngành học liên quan nên lao động được doanh nghiệp tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đặt ra của doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều phải đào tạo lao động từ đầu để nắm được thao tác và quy trình thực hiện công việc.
Đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Có thể thấy, công nghiệp bán dẫn đã và đang là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng và là nền tảng hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Dự báo trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển tại các khu công nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lao động thêm. Cụ thể, giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh Bắc Giang cần khoảng 6.300 lao động ngành bán dẫn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 1.200 người.
Để giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn, các chuyên gia cho rằng cần có sự nỗ lực đồng bộ từ Nhà nước, nhà trường và nhà đầu tư. Theo Trưởng ban Khoa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trương Việt Anh: Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tỉnh Bắc Giang cần chú trọng xác định mục tiêu và nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận và thu hút đầu tư, phục vụ phát triển các khu công nghiệp. Việc đào tạo có thể thông qua hợp tác, đặt hàng với các trường đại học có năng lực và các loại hình đáp ứng nhu cầu từ đào tạo nghề, đào tạo thực hành, đào tạo theo nhu cầu bổ sung kiến thức đến đào tạo trình độ cao chuyên sâu đặc thù.
Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC), TS. Võ Xuân Hoàicũng cho rằng: Với số lượng các doanh nghiệp đang tăng lên, nhu cầu nguồn nhân lực cho tất cả các giai đoạn trong ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành phụ trợ đang thay đổi nhanh chóng, Bắc Giang cần nhanh chóng triển khai đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn để kịp thời đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động cho các doanh nghiệp tại tỉnh. Để làm được điều đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh về ngành công nghiệp bán dẫn để tiếp cận đến các nguồn đầu tư FDI và hợp tác quốc tế trong đào tạo. Đồng thời, nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Các chuyên gia cho rằng, việc đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cần phải đi trước một bước; đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho những lao động đã có các kỹ năng cơ bản để kịp thời tham gia vào các vị trí việc làm trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn là một cách hiệu quả để bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt trong giai đoạn hiện nay...