Ưu tiên thu hút FDI có cam kết lan tỏa và hợp tác với doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển

Chiều 4/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có những giải đáp liên quan đến chính sách thu hút vốn đầu tư FDI và nâng cao hiệu quả thực hiện các hiệp định FTA.

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn Bình Dương liên quan đến việc giai đoạn tới, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như thế nào? Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Để hội nhập một cách thành công, không phải chúng ta “đo đếm” bằng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hay có bao nhiêu vốn, bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam, thậm chí là có bao nhiêu kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã đạt được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn Bình Dương

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn Bình Dương

“Điều quan trọng là, doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất, cung ứng toàn cầu được bao nhiêu, tận dụng được cơ hội từ các FTA được bao nhiêu mới là vấn đề” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Do đó, Bộ trưởng đặt vấn đề, để nâng cao hiệu quả thực thi các Hiệp định Thương mại tự do, cần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước.

Còn đối với chiến lược thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải rà soát lại, để có những cơ chế ưu tiên thu hút FDI với doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, có công nghệ quản trị tốt.

"Ngoài ra, ưu tiên thu hút với những doanh nghiệp có cam kết lan tỏa và hợp tác với doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển. Nếu áp dụng được đồng bộ những cơ chế như vậy, tương lai thu hút FDI sẽ được cải thiện hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn Thái Bình về cơ chế khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Chính sách thu hút FDI của chúng ta chưa ràng buộc, chưa khuyến khích để các doanh nghiệp FDI tăng tính lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm, chưa chủ động tìm hiểu nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Hơn nữa, lĩnh vực này cần trình độ công nghệ và kinh nghiệm nhất định; việc phổ biến tuyên truyền các chính sách ưu đãi đến cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; rào cản gia nhập thị trường khó khăn…

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đại biểu tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đại biểu tỉnh Đồng Tháp

Cũng liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đại biểu tỉnh Đồng Tháp đặt câu hỏi, hiện nay, ngành công nghiệp dệt may, da giày chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ liệu, lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, giá trị gia tăng không được cải thiện, chi phí trên các lĩnh vực tăng nên giá thành sản phẩm tăng theo, sức hấp dẫn với các nhà đầu tư giảm dần dẫn đến làn sóng chuyển dịch đầu tư sang các nước khác, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng của nước ta về ngành này và việc làm của người lao động.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ngành dệt may, da giày đang lệ thuộc nguyên liệu nước ngoài, sản phẩm dệt may, da giày 10 năm qua luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, ngành này cũng đã đóng góp cho giá trị tăng trưởng của xuất khẩu và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động. Ở một chừng mực nào đó, ngành dệt may, da giày đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: QUANG PHÚC

“Tuy nhiên, Việt Nam đến thời điểm này cũng không còn là “thiên đường” cho những ngành công nghiệp thâm dụng về lao động, thâm dụng về đất đai, hay năng suất lao động thấp, giá trị nhân công giá rẻ. Nên việc chuyển dịch dự án của doanh nghiệp dệt may, da giày sang các nước khác ở thời điểm này là việc bình thường” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định và cho rằng: Không chỉ riêng ngành dệt may, da giày mà cả những ngành sản xuất khác, để xuất khẩu được Việt Nam đều phải đặt mục tiêu làm chủ nhiều hơn trong khâu cung ứng nguyên liệu.

"Bởi nếu chúng ta cứ nhập từ nước ngoài về sản xuất thì suy cho cùng chỉ làm gia công, giá trị sinh lợi không lớn, hiệu quả không cao… nên trong tương lai, không chỉ dệt may, da giày mà cả những ngành khác cũng cần chủ động khai thác nguyên liệu" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uu-tien-thu-hut-fdi-co-cam-ket-lan-toa-va-hop-tac-voi-doanh-nghiep-trong-nuoc-de-cung-phat-trien-324281.html