Ưu tiên trong phát triển văn hóa doanh nghiệp 2025
Văn hóa doanh nghiệp 2025 tập trung vào trải nghiệm nhân viên, đổi mới sáng tạo và xây dựng tổ chức học tập trong kỷ nguyên số.
Năm 2025, các doanh nghiệp tiếp tục xác định ba mục tiêu chính trong việc phát triển văn hóa doanh nghiệp gồm: gia tăng trải nghiệm nhân viên, thúc đẩy tinh thần học hỏi để biến công ty thành tổ chức học tập, và xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo. Đây là những ưu tiên nổi bật để củng cố nền tảng và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Từ góc độ thực thi văn hóa, định hình và chuẩn hóa nền tảng vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Điều này phản ánh nhận thức ngày càng sâu sắc về vai trò của văn hóa trong sự phát triển tổ chức.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C, việc định hình nền tảng cần được thực hiện bài bản và đúng phương pháp để đảm bảo xác định chính xác bản sắc doanh nghiệp và hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển dài hạn.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Blue C, năm xu hướng văn hóa doanh nghiệp nổi bật trong năm nay đã được ghi nhận.
Thứ nhất là hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi trở thành ưu tiên cấp thiết. Báo cáo của PwC cho thấy, 97% CEO trên toàn cầu đang chủ động tái định hình doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững. Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng sẵn sàng cho những thay đổi này.
Cụ thể, 59% nhân viên cảm thấy có quá nhiều thay đổi diễn ra cùng lúc, trong khi 50% không hiểu rõ lý do cần thay đổi. Những biến động trong công việc, từ việc học cách sử dụng công nghệ mới đến đối mặt với khối lượng công việc gia tăng, đặt ra những thách thức lớn đối với người lao động.
Văn hóa doanh nghiệp cũng được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, với 36,59% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Blue C chọn văn hóa số là mục tiêu ưu tiên.
Những đặc trưng nổi bật của văn hóa số bao gồm việc đặt khách hàng làm trung tâm, định hướng dữ liệu trong ra quyết định, xây dựng và cải tiến không ngừng, hợp tác đa phòng ban và phát triển bền vững. Đặc biệt, đầu tư vào văn hóa số được xem là một yếu tố quan trọng để gỡ bỏ các rào cản trong hành trình chuyển đổi số.
Một xu hướng quan trọng khác là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc. Dù AI đang mở ra những cơ hội mới, việc áp dụng vào thực tiễn vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Báo cáo từ Gallup cho thấy, chỉ một phần nhỏ nhân viên sử dụng AI thường xuyên, và nhiều người vẫn chưa cảm thấy thoải mái với công nghệ này.
"Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và hướng dẫn rõ ràng, giúp nhân viên hiểu và tận dụng tối đa tiềm năng của AI, đồng thời thích nghi với những thay đổi trong công việc", ông Vũ nói.
Bên cạnh đó, tái thiết văn hóa sau các đợt tinh gọn bộ máy cũng là một thách thức lớn. Chính sách tinh giản biên chế trong khu vực công sẽ tạo ra lượng lớn nhân sự dôi dư trên thị trường lao động, mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân trong việc thu hút nhân tài.
Tuy nhiên, theo Blue C, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc hòa nhập nhân sự mới, đồng thời củng cố văn hóa tổ chức để duy trì động lực làm việc và niềm tin nội bộ.
Cuối cùng, sự quan tâm tại nơi làm việc ngày càng được coi trọng. Trong bối cảnh nhiều biến động, nhân viên không chỉ tìm kiếm các phúc lợi vật chất mà còn mong muốn sự quan tâm thực sự từ tổ chức. Nghiên cứu của O.C. Tanner chỉ ra, khi nhân viên cảm thấy được quan tâm, khả năng họ gắn bó và làm việc hiệu quả cao hơn đáng kể.
Sự quan tâm này không chỉ thúc đẩy tinh thần mà còn mang lại lợi ích rõ rệt cho doanh nghiệp, từ giảm thiểu kiệt sức đến tăng cường hiệu suất và khả năng giữ chân nhân tài.