Ưu và nhược điểm của kháng sinh

Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi khiến mầm bệnh trở nên kháng thuốc. Việc điều trị bệnh giờ đây đòi hỏi những loại kháng sinh mạnh hơn nữa.

 Ảnh minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels.

Ảnh minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels.

Khi tôi còn là sinh viên y khoa, tôi đã được dạy vancomycin là loại kháng sinh cuối cùng, nó giống như chiếc rìu chữa cháy được giữ trong hộp kính có khóa, chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Giờ đây, vancomycin được dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng thông thường, ví dụ như bệnh Lime.

Khi sử dụng thuốc kháng sinh sai cách, từ việc lạm dụng chúng cho các bệnh cảm cúm và cảm lạnh cho đến việc dùng thuốc để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi, chúng ta đã làm phung phí món quà đáng quý nhất của y học hiện đại. Việc liên tục lạm dụng kháng sinh là nhân tố hàng đầu khiến cho quá trình loại bỏ bệnh tật ngày càng khó khăn.

Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi khiến mầm bệnh trở nên kháng thuốc. Việc điều trị bệnh giờ đây đòi hỏi những loại kháng sinh mạnh hơn nữa. Nếu bác sĩ của bạn hoặc bác sĩ nhi khoa cho con bạn thường xuyên kê kháng sinh để chữa trị cảm lạnh và cảm cúm thông thường, tôi có lời khuyên cho bạn: Hãy tìm một bác sĩ khác.

Một liệu trình bao gồm chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi và giải tỏa căng thẳng sẽ có hiệu quả mạnh mẽ hơn nhiều so với bất kỳ loại kháng sinh nào có trên thị trường hiện nay.

Thông thường, có một khoảng thời gian chậm trễ giữa thời điểm cơ thể bị nhiễm trùng cho đến khi hệ miễn dịch được kích hoạt. Điều này tương tự như khi gọi đường dây cứu hộ khẩn cấp; đội cứu hộ không thể có mặt ngay lập tức trước cửa nhà ngay sau khi họ nhận được cuộc gọi từ bạn.

Hầu hết mọi người không nhận ra rằng kháng sinh chỉ cho phép cơ thể bắt kịp với sự nhiễm trùng qua việc làm chậm lại quá trình phát triển nhanh chóng của vi khuẩn gây bệnh. Cơ thể và hệ miễn dịch của bạn vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc đối phó với nhiễm trùng.

Chúng ta thường tập trung vào việc điều trị sốt bằng kháng sinh, tuy vậy phản ứng sốt thường là dấu hiệu tốt. Nó cho thấy tốc độ trao đổi chất của cơ thể bạn đã bắt đầu tăng tốc, tiêu diệt các vi khuẩn ngoại lai qua việc hình thành một môi trường khắc nghiệt đối với các vi sinh vật gây hại.

Việc sử dụng kháng sinh liên tục và liều cao không chỉ đối phó với nhiễm trùng mà còn tiêu diệt cả các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Nhiều người bị tiêu chảy, phụ nữ cũng thường dễ bị nhiễm nấm tái phát và dai dẳng.

Việc bổ sung lợi khuẩn L. acidophilus dưới dạng viên nén hoặc sữa chua giúp khôi phục sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa. Việc lạm dụng kháng sinh có thể phá hủy hệ vi sinh vật.

Dựa trên nghiên cứu được công bố trong mBio, một liệu trình kháng sinh là đủ mạnh để phá vỡ cấu trúc thông thường của hệ vi sinh vật trong một năm, từ đó dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến khích các bác sĩ hạn chế sử dụng kháng sinh, nhấn mạnh rằng các vi khuẩn kháng kháng sinh dẫn đến hơn 2 triệu ca bệnh và 23.000 ca tử vong hàng năm ở Mỹ.

Tất nhiên, có những lúc kháng sinh là cần thiết và nên được sử dụng. Nếu bạn cần dùng kháng sinh, hãy bổ sung enzyme bromelain để đảm bảo kháng sinh phân bố nhanh chóng trong cơ thể và thâm nhập vào mô dễ dàng hơn. Dứa có chứa enzyme này, do đó bạn có thể uống nước ép dứa hoặc viên nén bromelain cùng liệu trình kháng sinh của mình.

Các bậc phụ huynh có con trẻ bị ốm và cần dùng kháng sinh nên đặt chuông báo thức vào khoảng 3 đến 4 giờ sáng để cho trẻ dùng thêm liều kháng sinh trong chu kỳ giấc ngủ của trẻ. Điều này đảm bảo nồng độ thuốc hiệu quả hơn để chống lại nhiễm trùng.

Tôi muốn nhắc lại một lần nữa: Nếu cơ thể bạn cần kháng sinh, hãy sử dụng chúng. Nếu tình trạng nhiễm trùng kéo dài, bạn đương nhiên nên cân nhắc sử dụng kháng sinh. Tôi chỉ nghĩ rằng hệ miễn dịch trong cơ thể nên có cơ hội để làm đúng vai trò bản năng của nó - chống lại bệnh tật.

BS Peter J D’Adamo, Catherine Whitney / NXB Dân trí & Medinsights

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/uu-va-nhuoc-diem-cua-khang-sinh-post1433668.html