Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát thực hiện chuyển đổi số tại Bắc Giang
Ngày 14/11, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về chuyển đổi số tại tỉnh Bắc Giang.
Làm việc với Đoàn có các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại 3 đơn vị: VNPT Bắc Giang, Viettel Bắc Giang và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tại đây, các đơn vị đã thông tin cụ thể việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Cùng đó đề xuất, kiến nghị một số nội dung như: Khó khăn trong xây dựng, lắp đặt trạm thu phát sóng; thực hiện điểm về “Hợp đồng lao động điện tử” chưa có sự liên thông giữa các đơn vị như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế, hợp đồng điện tử chưa có đủ tính pháp lý do cơ sở dữ liệu chưa có, giá trị chữ ký điện tử chưa đủ tin cậy, chưa được luật xác định rõ (vì từ 1/7/2024 Luật Giao dịch điện tử mới có hiệu lực) nên cũng gặp trở ngại...
Tại đây, các thành viên đoàn công tác cũng đã trao đổi, đề nghị các đơn vị làm rõ một số nội dung thực hiện liên thông về hạ tầng số; về chủ trương bỏ dịch vụ 2G; chính sách hỗ trợ người dân chưa đủ điều kiện sử dụng điện thoại thông minh; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công…
Phát biểu tại đây, đồng chí Mai Sơn làm rõ một số khó khăn của tỉnh trong triển khai thực hiện chính sách pháp luật về chuyển đổi số. Điển hình như việc triển khai hợp đồng lao động điện tử còn vướng mắc do quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chưa rõ.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa xây dựng và triển khai các nội dung liên quan nền tảng "hợp đồng lao động điện tử" đối với người lao động và tổ chức sử dụng lao động theo phân công tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia, vì vậy việc triển khai chưa thực hiện được; chi phí cho việc ký số cao; chữ ký điện tử chưa được công nhận giá trị pháp lý do chưa ban hành Luật Giao dịch điện tử…
Đồng chí đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để hướng dẫn xác định chi phí trực tiếp xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ trong hoạt động lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng "Chính quyền số" kết hợp xây dựng phát triển đô thị thông minh bảo đảm đồng nhất để đạt hiệu quả bền vững, tránh lãng phí.
Đề nghị Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử; các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chính sách thu hút, chế độ ưu đãi điều kiện làm việc đối với người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước…
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn chúc mừng và đánh giá cao những kết quả tỉnh Bắc Giang đã đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về chuyển đổi số; xây dựng bộ máy chuyển đổi số từ tỉnh đến xã chặt chẽ, đồng bộ. Việc xây dựng hạ tầng viễn thông bảo đảm chất lượng, không để xảy ra xung đột giữa các nhà mạng, chống độc quyền tốt, người dân, doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông.
Đồng chí đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân ủng hộ xây dựng hạ tầng viễn thông, đặc biệt là các trạm thu phát sóng. Đối với những kiến nghị từ tỉnh Bắc Giang, Đoàn công tác tiếp thu và đưa vào báo cáo trình Quốc hội trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Trung Anh