Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với UBND tỉnh Lào Cai
Sáng 27/2, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về việc thực hiện pháp luật về địa chất và khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện lãnh đạo vụ, cục trực thuộc các bộ, ngành liên quan; một số chuyên gia về địa chất, khoáng sản.
Về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh…
Theo báo cáo thực hiện quy định pháp luật về địa chất, khoáng sản, tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện công tác lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng, vật liệu xây dựng thông thường; rà soát, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền với 53 khu vực mỏ và điểm mỏ với tổng diện tích 383,103 ha/năm 2023.
Từ năm 2013 - 2023, UBND tỉnh đã ban hành 10 quyết định với tổng số 50 khu vực. Đã thực hiện đấu giá 32 khu vực (gồm 37 điểm mỏ), số tiền thu từ trúng đấu giá trước khi cấp giấy phép khai thác khoảng 27 tỷ đồng. UBND tỉnh cấp phép chủ yếu đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, mỏ khoáng sản có quy mô phân tán, nhỏ lẻ; từ năm 2012 - 2023 đã thực hiện cấp 216 giấy phép hoạt động khoáng sản (144 giấy phép khai thác và 72 giấy phép thăm dò).
Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2021 - 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 41 cuộc kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; các cấp, ngành quyết định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với 53 tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 - 2023 đạt gần 11.700 tỷ đồng. Năm 2023, các đơn vị hoạt động khoáng sản có khoảng 4.606 lao động với tổng thu nhập dao động 9 - 17 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp cũng đã tham gia đóng góp, ủng hộ công tác xây dựng nông thôn mới, đường nội bộ mỏ kết nối với đường giao thông chính, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn tại địa phương; thực hiện đóng góp kinh phí để xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy định gần 1.144 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 - 2023.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn: Một số đơn vị khai thác quặng sắt, graphit, cát, sỏi, đá làm vật liệu xây dựng thông thường phải tạm dừng hoạt động; các đơn vị khai thác có trữ lượng và quy mô lớn như đồng, apatit sụt giảm sản lượng; công tác quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa đồng bộ với các quy hoạch khác; công tác quản lý, kiểm soát sản lượng khai thác gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chưa tiếp cận được các tài liệu kèm theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khó khăn trong triển khai Quy hoạch số 866 đối với triển khai các dự án nhà máy quặng apatit.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; đánh giá thêm tính đầy đủ, kịp thời các chính sách về địa chất, khoáng sản của Trung ương; tính hiệu quả trong thực hiện các quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; làm rõ nội dung quy định khoản thu đóng góp từ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh;kiến nghị về công tác bảo vệ môi trường; thời gian cấp giấy phép khai thác khoáng sản…
Đối với dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, thành viên đoàn công tác đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của tỉnh Lào Cai trong việc đóng góp, tham gia ý kiến, nhiều nội dung góp ý của địa phương đã được cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh trong dự thảo Luật.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá Lào Cai là địa phương có thế mạnh về tài nguyên với hàng chục loại khoáng sản quý hiếm, giá trị kinh tế cao như quặng apatit, đồng, sắt… Buổi làm việc nhằm mục đích hiểu rõ hơn tình hình thực hiện chính sách pháp luật về địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; lắng nghe ý kiến đóng góp của tỉnh, báo cáo tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để phục vụ cho việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản sửa đổi.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc triển khai thực hiện pháp luật về địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, trong đó có các quy định tại Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng năm 2023. Một số quy hoạch về đất đai, nước, khoáng sản, rừng còn chồng lấn, chưa đồng bộ ảnh hưởng đến quy trình, tiến độ phê duyệt, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất đoàn công tác nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Lào Cai để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về địa chất, khoáng sản cho phù hợp với thực tế. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng trả lời làm rõ một số nội dung thành viên đoàn công tác đề cập tại buổi làm việc liên quan đến quy chế phối hợp; ban hành quy định về khoản thu từ khai thác khoáng sản; phân cấp quản lý khoáng sản tại địa phương; các chính sách khuyến khích thu hút nhà đầu tư; đóng cửa mỏ, bãi thải mỏ, khai thác khoáng sản trái phép; việc dự trữ, khai thác, chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thay mặt đoàn công tác ghi nhận tỉnh Lào Cai đã đạt được kết quả quan trọng trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn; đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật về địa chất, khoáng sản.
Đồng chí yêu cầu tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện các kế hoạch, sớm khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, quản lý tốt khai thác khoáng sản, tránh thất thu thuế; giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; quan tâm đến việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về địa chất và khoáng sản tại địa phương. Trên cơ sở kết quả buổi làm việc và chuyến khảo sát thực địa tại cơ sở, đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội theo quy định, phục vụ việc xây dựng pháp luật về địa chất, khoáng sản.
Trước đó, ngày 26/2, đoàn công tác đã khảo sát và làm việc về tình hình thực hiện quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản tại Dự án khai thác, mở rộng và nâng cao công suất khu mỏ - tuyển đồng Sin Quyền, xã Bản Vược; Dự án khai thác hầm lò thôn Vĩ Kẽm, xã Cốc Mỳ huyện Bát Xát và Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai (ảnh dưới).