Ủy ban Kinh tế: Lãi suất cho vay giảm rất chậm
Trong báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 4 lần nhưng đến cuối tháng 8, lãi suất cho vay và tiền gửi mới chỉ giảm 1 điểm %. Ngoài ra, hoạt động xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm chạp.
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã tóm lược lại những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, đồng thời chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc.
Về tình trạng lãi suất thực tế giảm chậm hơn lãi suất điều hành, báo cáo cho biết Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp với mức giảm từ 0,5 điểm % đến 2 điểm %/năm. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới vào cuối tháng 8/2023 mới chỉ giảm khoảng 1 điểm % so với cuối năm 2022.
Báo cáo cũng nêu thực trạng nền kinh tế khát vốn nhưng lại khó hấp thụ vốn dù mặt bằng lãi suất huy động, cho vay đã giảm. Trước đó, số liệu từ Chính phủ cho biết tính đến ngày 11/10, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,29% so với đầu năm, giảm so với thời điểm cuối tháng 9 (6,92%) và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%).
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài vẫn còn chậm chạp.
Để giải quyết những vấn đề trên, trong những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế kiến nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Báo cáo cho rằng cần ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế.
Ủy ban Kinh tế đề xuất tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/uy-ban-kinh-te-lai-suat-cho-vay-giam-rat-cham.html