ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Chiều ngày 26/04, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 11, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Kinh tế; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và UBND một số địa phương cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học.

Sau hơn 20 năm thi hành, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2017 đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, đảm bảo giữa thực trạng trong nước và nước ngoài để củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng của Việt Nam, đảm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả và nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) được bố cục gồm 13 chương, 195 Điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện một số tài liệu để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định của dự thảo Luật như: hoàn thiện báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Các TCTD; Báo cáo đánh giá tác động chính sách theo hướng đánh giá kỹ lưỡng hơn về nội dung từng chính sách cụ thể trong mỗi chính sách lớn; hoàn thiện Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật Các TCTD (sửa đổi);… Đồng thời, để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo tính rõ ràng, khả thi, thống nhất trong quy định của Luật, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai quy định của Luật.

Theo đó, tại phiên họp, các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề như: quy định về tổ chức quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; quy định về hoạt động của tổ chức tín dụng ; Quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; Quy định về hoạt động của công ty tài chính... Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ thực trạng hoạt động các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung; công tác phòng ngừa rủi ro, kiểm soát nội bộ của các tổ chức tín dụng; kiểm soát đặc biêt, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém…

Một số ý kiến cho rằng, trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cần quan tâm đến việc đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và thúc đẩy phát triển thị trường ngân hàng bền vững, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế…

Các ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu và tổng hợp, nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả./.

Kim Liên

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75349