Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra 2 dự án luật và 2 dự thảo Nghị quyết
Chiều 23.4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ hai, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành thẩm tra 2 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số cơ quan liên quan.

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, dự thảo Nghị quyết gồm 16 Điều, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) trên phạm vi toàn quốc.
Đối tượng áp dụng của nghị quyết gồm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Dự thảo Nghị quyết quy định, Chính phủ thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập nhà ở xã hội; hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia, tuy nhiên có ý kiến đề nghị, làm rõ mô hình Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp
Về chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công (Điều 5 và Điều 6), các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế giám sát, kiểm soát thực thi hiệu quả, phòng, chống sơ hở, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
+ Theo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; vai trò tham gia của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung một số quy định để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thi hành Luật.
Dự thảo Luật sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện, thay thế bằng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp xã, nhằm cụ thể hóa chủ trương bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã).
Các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc xây dựng dự án theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Điểm c khoản 1 Điều 21, khoản 2 Điều 22 bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh, cấp xã ban hành nghị quyết để quy định “phân cấp”, có ý kiến cho rằng, quy định này chưa thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ở chỗ việc phân cấp chỉ đặt ra đối với hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, đề nghị không quy định văn bản của HĐND được phân cấp.
Mặt khác, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đã được quy định tại Điều 54 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, đề nghị rà soát quy định tại khoản 2 Điều 54 để cần thiết thì đề xuất sửa đổi, bổ sung; chỉ quy định chuyển tiếp để xử lý đối với văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện.
+ Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, quy định Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền khởi kiện cùng tiêu chí giống nhau là chưa phù hợp, chưa rõ ràng.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định tách bạch thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân mỗi cấp trong việc khởi kiện vụ án dân sự công ích.
Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc quy định một số thẩm quyền phù hợp cho Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của quá trình tố tụng.
Cũng trong chiều nay, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch.