Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh sát cơ động

Ngày 31-8, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng,Phó chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo Phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm UPQPAN Lê Tấn Tới nêu rõ, Dự án Luật CSCĐ là một trong 7 dự án luật đầu tiên trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, là dự án đầu tiên UBQPAN được giao chủ trì thẩm tra. Với tinh thần tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác lập pháp mà Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đặc biệt quan tâm, ông Lê Tấn Tới đề nghị thành viên UBQPAN, đại diện các bộ, ngành, cơ quan hữu quan chủ động phát biểu, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến đối với các nội dung của dự án luật.

 Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo.

Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo.

Tờ trình về dự thảo Luật CSCĐ nêu rõ, qua 7 năm thực hiện, Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ là cần thiết.

Thảo luận tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhất trí cần thiết ban hành Luật CSCĐ. Hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị đầy đủ. Góp ý về quyền hạn của lực lượng CSCĐ, ông Nguyễn Trường Giang nói, dự thảo luật quy định, người thi hành công vụ độc lập được quyền nổ súng để ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái. Đây là điểm mới, khác với quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là chỉ được nổ súng vào "phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa". Cần đánh giá tác động cụ thể, nếu cần thiết thì đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó tư lệnh Quân khu 1, Bộ Quốc phòng, đánh giá hồ sơ dự án Luật CSCĐ được chuẩn bị chu đáo, công phu, trên cơ sở tổng kết thực tiễn từ Bộ Công an, tham khảo ý kiến sâu rộng từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu; ghi nhận sự chuẩn bị tích cực của Ban soạn thảo. Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ, Phó chủ tịch Quốc hội nói, đây là một trong 7 dự án luật đầu tiên được Quốc hội cho ý kiến trong nhiệm kỳ khóa XV, do đó phải đạt độ mẫu mực về quy trình, bảo đảm sức sống của luật, tránh tình trạng "luật khung", "luật ống".

Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề mà các đại biểu đặt ra. Cụ thể là làm rõ về sự cần thiết ban hành luật để tăng thêm tính thuyết phục; rà soát lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp... bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp; đánh giá tác động thật kỹ để dự báo và đề ra chính sách đúng.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực UBQPAN khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-quoc-phong-va-an-ninh-tham-tra-so-bo-du-an-luat-canh-sat-co-dong-670007