Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Nhà giáo

Sáng 8/10, tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về Dự án Luật Nhà giáo.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rà soát, xác định rõ đối tượng áp dụng của luật và điều chỉnh tại Dự thảo Luật. Trong đó, về đánh giá nhà giáo, Dự thảo Luật quy định những nội dung riêng về đánh giá định kỳ đối với nhà giáo (thời điểm đánh giá theo năm học, không theo năm hành chính, nội dung đánh giá căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo); còn quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn xếp loại nhà giáo thực hiện theo pháp luật về viên chức (với nhà giáo công lập) hoặc pháp luật về lao động và quy chế của cơ sở giáo dục (đối với nhà giáo ngoài công lập).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Về chính sách đối với nhà giáo, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ đã đưa ra khỏi Dự thảo Luật (quy định về áp dụng luật nhà giáo, về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo, về chuẩn người đứng đầu các cơ sở giáo dục...). Một số nội dung chính sách (quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo) được rà soát kỹ lưỡng để vừa bảo đảm có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình bổ sung về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo của Chính phủ.

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục nhất trí với quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm nghỉ hưu và không bị giảm tỷ lệ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, nhận định chính sách miễn học phí cho con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp của nhà giáo trong Dự thảo Luật là chính sách nhân văn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định này khó áp dụng cho cơ sở giáo dục tư thục và thậm chí trong cả cơ sở giáo dục công lập; do đó cần quy định chính sách theo hướng cho đối tượng nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn cụ thể. “Tôi cho rằng không nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Ưu đãi, chính sách đặc thù thì được nhưng quy định “đặc quyền, đặc lợi” là không nên”- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định giáo viên mầm non không bị giảm tỷ lệ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi trong Dự thảo Luật là quy định khác với Luật Bảo hiểm xã hội đối với nguyên tắc “đóng - hưởng” chung và bảo đảm an toàn quỹ, do đó cần cân nhắc cho phù hợp, bởi giáo viên mầm non cũng rất vất vả.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các nội dung đã được điều chỉnh tại luật chuyên ngành khác thì không quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo; chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không quy định cụ thể, chi tiết, luật hóa nghị định, thông tư mà giao cho Chính phủ, bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời cho rằng, Dự thảo Luật cần được hoàn thiện theo hướng đánh giá tác động tới đâu thì quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh tới đó, đưa Luật thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Trong đó, lưu ý đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo với ba nhóm chính gồm: nhà giáo công lập, nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài làm việc trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời, tiếp tục rà soát, bảo đảm tính phù hợp, khả thi của từng chính sách áp dụng cho từng nhóm đối tượng này.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc lại thật kỹ việc miễn học phí cho con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp của nhà giáo, khi trong đánh giá tác động của dự án Luật đã xác định, nếu bổ sung chính sách này thì hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.212,1 tỷ đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

PV

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-an-luat-nha-giao.html