Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 18, sáng 14/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận sáng ngày 14/12, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 nội dung: việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Tiếp đó, Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và hồ sơ của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về bố cục của dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội đã rà soát các quy định của dự thảo Luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính trong khám bệnh chữa bệnh làm căn cứ để thiết kế 1 mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Chương X về Các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh...
Về Hội đồng Y khoa quốc gia, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, do vậy, dự thảo Luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức này, nguyên tắc về vị trí pháp lý.
Về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý cụ thể hơn theo hướng hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật như sau: Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng quy định nguyên tắc chung về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, nội dung hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh như thể hiện tại Điều 67 dự thảo Luật và Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn dinh dưỡng…
Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại Điều 108 của dự thảo Luật. Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật dự kiến bổ sung hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, muộn thiết bị y tế vào các các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trọng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như thể hiện tại điểm đ khoản 3 Điều 109 dự thảo Luật; bổ sung việc khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh vào nội dung của xã hội hóa như thể hiện tại khoản 2 Điều 109 dự thảo Luật.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, trên cơ sở ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tại hơn 50 điều khác của dự thảo Luật với 22 nhóm nội dung…
Về các điểm mới của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 123 điều, tăng 3 chương (Chương VI, VII, XI) và 32 điều so với Luật hiện hành, trong đó, quy định 1 mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Chương X của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới liên quan đến người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định về hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung chỉnh lý dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Góp ý về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định về các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề quyết định tại Điều 20 của dự thảo Luật, theo đó, khoản 1 quy định 10 chức danh chuyên môn khám, chữa bệnh phải có giấy phép hành nghề. Luật quy định rất cụ thể điều kiện cấp phép hành nghề, cũng như thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, cũng như thu hồi giấy phép.
Liên quan đến quy định về Hội đồng y khoa quốc gia quy định tại Điều 24, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thống nhất cần quy định về Hội đồng y khoa học quốc gia ở trong Luật.
Đây cũng là nội dung để thể chế hóa chủ trương của Đảng được xác định trong Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong Báo cáo giải trình của Thường trực Ủy ban Xã hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cũng khẳng định đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa có hoạt động trong thực tiễn. Điều 24 của dự thảo Luật quy định khái quát, xác định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu quy định như dự thảo chưa rõ về địa vị pháp lý, trực thuộc ai, quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về y tế như thế nào. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để quy định cụ thể hơn làm cơ sở Chính phủ quy định chi tiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng góp ý về quy định liên quan đến hiệu lực thi hành Luật. Dự thảo Luật quy định lộ trình để thực hiện một số những quy định trong dự thảo. Đại biểu khẳng định, lộ trình thực hiện trong một số trường hợp cần thiết nhưng lộ trình lên tới 10 năm là khoảng thời gian rất dài. Đề nghị cân nhắc kỹ hơn về lộ trình, nếu có quy định lộ trình thì cũng chỉ khoảng 3 năm, nếu quy định lộ trình dài sẽ giảm tính thời sự và không đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cần tăng cường và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, qua rà soát dự thảo Luật còn tới 41 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết; một số nội dung giao cho Bộ Y tế cho thấy tính cụ thể hóa, tính chi tiết để thực thi Luật ngay sau khi có hiệu lực cũng cần phải nghiên cứu thêm.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội linh động, ưu tiên bố trí thời gian tập trung thảo luận, cho ý kiến cho nội dung của dự án Luật này.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra; cho rằng dự thảo Luật trình lần này đã có sự tiếp thu và cải thiện chất lượng rõ rệt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu đóng góp ý kiến tối đa và tiếp tục trình được tại Kỳ họp bất thường sắp tới là tốt nhất. Nếu được thông qua, các văn bản hướng dẫn sẽ có hẳn thời gian một năm để xây dựng.
Về giải thích từ ngữ quy định tại Điều 2 có quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định này sẽ khó thực hiện. “Sau khi chúng ta thành lập hội đồng quản lý các bệnh viện, rất nhiều giám đốc, không biết ai là người đứng đầu, ai là người có người có trách nhiệm cao nhất đối với cơ sở khám, chữa bệnh”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Dự thảo Luật đưa ra một định nghĩa chung chung theo hướng người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. “Vậy người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh có được không? Đó là giám đốc hay Chủ tịch Hội đồng quản lý ?” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Liên quan đến quy định về giấy phép hành nghề, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, bắt đầu từ Điều 21 dự thảo Luật nói đến giấy phép hành nghề, sau đó đến Điều 28 về thừa nhận giấy phép hành nghề, Điều 29 lại mới quy định về cấp mới giấy phép hành nghề, Điều 30 là cấp lại giấy phép hành nghề, Điều 31 là gia hạn giấy phép hành nghề, Điều 32 là điều chỉnh giấy phép hành nghề, Điều 33 là đình chỉ hành nghề, Điều 34 là thu hồi giấy phép hành nghề. Chủ tịch Quốc hội cho rằng bố cục dự thảo Luật chưa hợp lý cần thảo luận thêm để thiết kế phù hợp.
Bày tỏ băn khoăn về quy định tại khoản 3 Điều 21 quy định “Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn và điều chỉnh”, cho rằng quy định này về mặt luật pháp là không hợp lý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định là “Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề. Thời hạn có giá trị chỉ có 5 năm” sau đó cấp lại, gia hạn thì cũng là 5 năm. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghề rà lại quy định của dự thảo Luật về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề…
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ băn khoăn việc quy định cấp giấy phép hành nghề có thời hạn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ, quy định tường minh vấn đề này; nhấn mạnh việc chữa bệnh cứu người liên quan đến tính mạng, sức khỏe người dân phải hết sức kỹ lưỡng, hết sức thận trọng nhưng phải đúng quy luật khách quan và phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Về việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý phải quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia, làm rõ mô hình, quy định về việc thành lập, ai thành lập… Một tổ chức quyết định sinh mạng có đến hàng vạn người thì việc hành nghề về lĩnh vực không thể quy định mù mờ được, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề giấy phép hành nghề của nước ngoài vào Việt Nam thế nào. Đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định về đình chỉ giấy phép hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định về từ chối khám bệnh và chữa bệnh để tránh vi phạm quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân theo quy định của Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên có quy định các giải pháp nâng cao năng lực phòng vệ, phòng ngừa đến mức độ nào và theo cách như thế nào thì được quyền từ chối khám, chữa bệnh và quyền từ chối này là ai quyết định…
Về đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tham khảo kinh nghiệm đánh giá kiểm định về chất lượng giáo dục. Theo đó, nếu muốn đánh giá thì phải có tổ chức kiểm định.
Về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Chương 10 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh vẫn là vấn đề lớn. Vấn đề quan tâm nhất là khái niệm về cấp chuyên môn kỹ thuật và mối quan hệ giữa các cấp, cách thức đảm bảo điều kiện hoạt động của các cấp này hiện dự thảo Luật quy định chưa rõ cần được tiếp tục rà soát, làm rõ.
Về các điều kiện đảm bảo về tài chính, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ nội dung này trong dự thảo Luật còn lúng túng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nội dung này nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính, luật hóa một số quy định của Nghị định 60. Về vấn đề tài chính, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại Điều 118 dự thảo Luật, nên quy định theo hướng tự chủ hoàn toàn về tài chính tức là cả chi thường xuyên, chi đầu tư, chi thường xuyên thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy nhân sự theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định thêm cơ quan nào đã tự chủ hoàn toàn về tài chính thì phải thực hiện kế toán và kiểm toán, công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các nội dung về xã hội hóa được quy định tiến bộ hơn, quy định nhiều vấn đề để làm, đồng ý Chính phủ quy định vấn đề này để nghị định minh bạch và để bảo vệ cho các thầy thuốc, cho các cơ sở khám, chữa bệnh yên tâm làm việc.
Về giá dịch vụ khám bệnh và chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tập trung một số vấn đề lớn, trong đó đặc biệt cân nhắc khi quy định về giá trị vô hình của thương hiệu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tiếp cận theo hướng, quy định giá dịch vụ y tế gồm những gì; phải tính đúng tính đủ; Nhà nước, cụ thể là Chính phủ hay Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ về khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật có thể trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp gần nhất.