Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9
Sáng 19/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phía khách mời có Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng, đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cùng một số ban, ngành hữu quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp chuyên đề tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong 5,5 ngày làm việc, sẽ xem xét 17 nội dung, gồm 7 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết, 4 chuyên đề giám sát và 1 nội dung về vấn đề quan trọng để trình Quốc hội, trong đó, nội dung trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật.
Về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, là xương sống cho ngành y tế, kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương. Dự án Luật đã được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 9 vừa qua. Nhiều nội dung trong dự án luật này vẫn cần thảo luận, phân tích kỹ lưỡng hơn để bảo đảm dự án luật hoàn thiện đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là lần cho ý kiến đầu tiên, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới, và sẽ được xem xét, thông qua sau ba Kỳ họp. Dự án Luật này sẽ thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Ngoài ra, tại Phiên họp chuyên đề lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các dự án Luật: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây cũng là những dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4. Riêng dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Về nhiệm vụ công tác lập pháp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quá trình chuẩn bị các dự thảo nghị quyết nói trên được thực hiện một cách kỹ lưỡng. Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp để cho ý kiến về các nội dung này, và hiện đã đến thời điểm chín muồi để xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là dự thảo nghị quyết do Văn phòng Quốc hội chủ trì soạn thảo. Trong quá trình xem xét, cho ý kiến nếu đạt sự đồng thuận cao thì sẽ ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này để triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trong tổ chức hoạt động của Quốc hội nói chung.
Ngoài công tác lập pháp, theo kết quả phiên họp thường kỳ tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung thêm một số nội dung để trình Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhằm chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc đánh giá, tổng kết công tác giám sát năm 2022 và triển khai công tác giám sát năm 2023 theo nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành 1 ngày để cho ý kiến về 4 dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương báo cáo của 4 cuộc giám sát trong năm 2023 về: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Cũng tại phiên họp này, theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cao độ, chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa ra ý kiến sâu sắc, toàn diện, đầy đủ về các dự án Luật, Nghị quyết này, nhất là với những vấn đề mới, vấn đề khó, quan trọng, phức tạp, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, để hoàn thiện nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).