Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận phương án tăng lương công chức, viên chức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở, cho ý kiến đối với tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước, lương của công chức, viên chức, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu...
Sáng 10/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 16 xem xét, cho ý kiến về những nội dung quan trọng sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 sắp tới.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có nội dung về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023. Với nhóm nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần, kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đáng chú ý, về điều chỉnh tiền lương cơ sở, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu, người nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung sẽ hết hiệu lực thi hành vào cuối năm 2022 gồm Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP.HCM.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hầu hết thời gian 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 bị ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19, do đó kết quả triển khai chưa được như mong muốn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia đề xuất, kiến nghị các giải pháp để Hà Nội thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù trong thời gian tới.
Về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đối với vấn đề này, trên có sở căn cứ vào Luật Đối tác công tư và căn cứ vào hợp đồng giữa một bên là Chính phủ và các nhà đầu tư.
"Giờ giải quyết vướng mắc thì phải căn cứ vào hợp đồng, quyền hạn của Chính phủ đến đâu, Thường vụ Quốc hội đến đâu và Quốc hội có thẩm quyền này không? Thẩm quyền này thì giải quyết như thế nào, cái này còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần cho ý kiến kỹ lưỡng trên tinh thần sâu sát với thực tế. Cần thiết có căn cứ chính trị và cơ sở pháp lý, nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội và chín muồi rồi thì trình Quốc hội xem xét", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán nhà nước và một số chức danh bộ trưởng, trưởng ngành theo đề nghị của Chính phủ; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHXHCN Việt Nam theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.