Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của Dự án cao tốc Bắc - Nam
Với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 13. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành nội dung đầu tiên của Phiên họp là xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đương bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên tăng thêm so với Nghị quyết 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ để kịp thời triển khai dự án đúng tiến độ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 theo đúng quy định và thẩm quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng nếu có phát sinh trong quá trình thực hiện dự án thì thực hiện theo đúng quy định pháp luật và Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên, bảo đảm tối ưu diện tích đất chuyển đổi, chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu này.
Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thống kê, kiểm đếm chính xác các loại đất, diện tích đất, loại rừng, giám sát không để các đối tượng lợi dụng trục lợi, khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép.
Theo dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp, diện tích rừng được quyết định chủ trương chuyển đổi là 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng, 802,91 ha rừng sản xuất, 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Diện tích đất lâm nghiệp được quyết định chủ trương chuyển đổi là 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha, đất rừng sản xuất 1.721,23 ha.
Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên được quyết định chủ trương chuyển đổi là 1.537,23 ha.
Theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án là khoảng 5.481 ha, bao gồm đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Nghị quyết cũng giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án.
Trước đó, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 13, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 3, cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Để phục vụ nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội đã tổng hợp ý kiến đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội và 63 đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan. Trên cơ sở đó xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ dự thảo báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả đạt được, nguyên nhân chủ quan và khách quan trong tất cả các khâu công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp; đánh giá về những đổi mới được áp dụng để tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp.
Trên cơ sở tổng kết Kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Nhấn mạnh rằng nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ 4 là công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý về công tác chuẩn bị, công tác phối hợp với Chính phủ để bảo đảm chất lượng tốt nhất cho các dự án được trình Quốc hội.
Việc tổng kết kỳ họp cũng là một trong những nội dung quan trọng để rút kinh nghiệm chung, từ đó hoàn thiện Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội. Đây là một trong những đề án trọng điểm trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua dự thảo nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu; xem xét, thông qua nghị quyết với những quy định chính về công tác cán bộ, thi đua, khen thưởng theo quy định mới nhất; về công tác chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; xem xét Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 6/2022; báo cáo kết quả khảo sát tiến độ xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông.