Ủy ban Văn hóa và Xã hội họp Phiên toàn thể lần thứ hai
Ngày 11/5, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa và Xã hội tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 2. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Văn hóa và Xã hội. (Ảnh: Media Quốc hội)
Theo nội dung và chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, có 9 nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban Văn hóa và Xã hội phụ trách. Trong đó, trình Quốc hội xem xét thông qua 4 dự án Luật và 2 Nghị quyết; gửi Quốc hội xem xét, nghiên cứu 3 báo cáo.
Về 6 nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua, tại tuần đầu tiên, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 3 dự án luật: Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 2 là phiên thường kỳ để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Tại phiên họp, Ủy ban tập trung thảo luận cho ý kiến đối với 3 nội dung gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Cùng với đó, Ủy ban cho ý kiến bằng văn bản đối với: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội; Báo cáo kết quả hoạt động của Ủy ban 6 tháng đầu năm và dự kiến công tác 6 tháng cuối năm 2025.
Phiên họp đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Thị Lan trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Media Quốc hội)
Theo đó, Ủy ban Văn hóa và Xã hội tán thành sự cần thiết ban hành các dự án luật và Nghị quyết trên. Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban tán thành với phạm vi sửa đổi Dự thảo luật, xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các luật có liên quan tại Báo cáo rà soát Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với 2 dự thảo Nghị quyết, Ủy ban tán thành với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; đồng thời nhận thấy, hồ sơ dự thảo các Nghị quyết đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, về kinh phí thực hiện 2 Nghị quyết, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhằm bảo đảm tính khả thi về nguồn lực.
Bên cạnh đó, các báo cáo thẩm tra cũng làm rõ quan điểm của Ủy ban Văn hóa và Xã hội đối với một số nội dung của dự thảo Luật, cũng như đề xuất một số nội dung trọng tâm thảo luận, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội các nội dung của 2 Nghị quyết bao gồm: cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của việc ban hành Nghị quyết; Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết; sự phù hợp và tính khả thi của các cơ chế, chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết; về kinh phí thực hiện Nghị quyết.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban thống nhất cao với nội dung các Báo cáo thẩm tra trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.