Ủy quyền giám định độc lập xuất khẩu vải thiều không phù hợp thông lệ quốc tế
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, đề xuất tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tham gia giám sát xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản của Bộ Công thương đã gây hiểu lầm, không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chiều ngày 3/6, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã ký công văn gửi Bộ Công thương để thông tin về việc xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản.
Theo Cục trưởng Cục BVTV, từ năm 2017, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Cơ quan kiểm dịch thực vật của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) thực hiện nhiều thí nghiệm về xử lý bằng biện pháp xông hơi khử trùng để làm cơ sở cho các phiên thảo luận kỹ thuật và đàm phán điều kiện nhập khẩu về kiểm dịch thực vật.
Đến ngày 15/12/2019, MAFF đã đồng ý với điều kiện nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản.
Theo kế hoạch, phía Nhật Bản dự kiến sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam vào giữa tháng 4-2020 để kiểm tra các cơ sở xử lý và trực tiếp giám sát công tác kiểm dịch cũng như xử lý từng lô vải xuất khẩu. Nhưng do dịch COVID-19, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra kỹ thuật và đăng ký cho 3 cơ sở xử lý.
Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra, hoàn thành đăng ký 3 cơ sở xử lý và đã gửi báo cáo kỹ thuật cũng như kết quả kiểm tra cho Nhật Bản vào ngày 24/4 vừa qua.
Liên quan đến vấn đề kiểm tra và đăng ký cơ sở xử lý và tháo gỡ khó khăn xuất khẩu vải thiều tươi, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và có đề xuất “tạm thời ủy quyền cho các đơn vị giám sát độc lập”.
Về vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, đề xuất của Bộ Công thương hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về kiểm dịch thực vật. Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, việc cung cấp thông tin này cho một số cơ quan truyền thông đã gây ra hiểu lầm cho các bên liên quan cũng như không phù hợp với tiến độ đàm phán.
Việc trao đổi kỹ thuật giữa hai bên sau khi đăng ký 3 cơ sở xử lý, Cục bảo vệ thực vật cho rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam tự thiết kế và xây dựng hệ thống chamber khử trùng thương mại và phía Nhật Bản cũng chưa có kinh nghiệm giám sát khử trùng quả vải bằng chamber thương mại tương tự.
Do đó, sau khi hoàn thành đăng ký 3 cơ sở xử lý, hai cơ quan kiểm dịch tiếp tục trao đổi và đã thống nhất các vấn đề về quy trình và thông số kỹ thuật liên quan đến xử lý quả vải tươi.
Ông Hoàng Trung cho biết, ngày 14/5, Cục Bảo vệ thực vật đã họp trực tuyến với MAFF và Đại sứ quán Nhật Bản để thống nhất các vấn đề về: đặc cách phái cử chuyên gia kiểm dịch thực vật sang Việt Nam; giải pháp kỹ thuật; kế hoạch xuất khẩu; phương án đón tiếp, cách ly và chi trả kinh phí cho chuyên gia (cả khi chuyên gia ở Nhật Bản và Việt Nam).
Chiều ngày 3/6, đoàn chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam để giám sát xuất khẩu vải thiều. Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với cơ quan chức năng, UBND tỉnh Bắc Giang đón tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản và thực hiện đúng các hướng dẫn quy định phòng dịch COVID-19.