Vá bửng xe: Vắng người nối nghề

Nhắc tới nghề làm bửng xe ở Biên Hòa, dân chơi xe, độ xe không ai không biết anh Nguyễn Thành Hưng. Anh được dân sành xe gọi là Hưng Cổng Hai. Với anh Hưng, biệt hiệu ấy như một sự định danh với một nghề mà anh đã theo đuổi hơn 30 năm, dù anh sinh năm 1975.

Dụng cụ làm nghề vá bửng xe.

Dụng cụ làm nghề vá bửng xe.

Nghề của sự tỉ mỉ và tinh xảo

Phố Phan Đình Phùng, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa được ví như một Biên Hòa thu nhỏ, bởi ở đây quy tụ nhiều mặt hàng bày bán và đặc biệt còn được gọi với cái tên gợi nhớ về nghề bửng xe: Phố Hàn Nhựa. Vì hầu hết thợ làm nghề bửng đều chọn con phố này làm nơi để mưu sinh.

Nghe qua tưởng là một đội ngũ những người thợ gắn bó với nghề hùng hậu lắm! Nhưng thực ra nghề này ở Biên Hòa đang gần như biến mất, bởi những người thợ như anh Hưng giờ đây chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Anh Hưng nói trong sự trầm lặng, ngậm ngùi: “Tôi làm nghề đã hơn 30 năm, nhưng tới giờ vẫn không có ai có thể truyền nghề”. Điều ấy khiến tôi tò mò? Đâu là lý do để những người thợ nghề vá bửng xe như anh Hưng đang vắng bóng dần đi giữa một đô thị người xe tấp nập?

Đây là công việc làm mới lại bề mặt bằng nhựa của vật dụng, đặc biệt là các loại xe máy, xe ô-tô, xe đạp... Chủ yếu nhất là vá bửng xe máy các loại. Dân trong này dùng từ bửng như một cách gọi quen thuộc cho công việc ấy.

Năm 1990 khi mới 15 tuổi, anh Hưng đã được người thầy của mình dạy nghề bửng xe. Mỗi ngày anh đi xe đạp 20 cây số từ nhà lên Hố Nai để học việc, tối mịt mới lọc cọc đạp xe về. Năm 17 tuổi, anh chính thức mở một tiệm nhỏ ngay cổng hai, sát bên nhà để “ra riêng” với nghề này.

Những năm 1990, 2000, nghề làm mới xe ở Biên Hòa khá hút khách. Nhiều dân chơi độ xe xuất hiện theo trào lưu. Việc đua với nhau về những kiểu dáng xe độc lạ, luôn là cảm hứng của dân chơi xe. Để tạo nên vẻ độc đáo, riêng có ấy, không thể thiếu đi bàn tay tỉ mẩn của người đứng sau hậu trường cho những màn độ xe sôi nổi, có giá kia. Không ai khác, anh Hưng đã âm thầm thổi hồn cho những chiếc xe ấy, trở nên bóng bẩy hơn, hoặc hầm hố hơn, tạo cảm hứng cho dân chơi xe xứ này. Nhiều “cao thủ” về độ xe ở TP Hồ Chí Minh còn tìm tới anh để nhờ giúp tạo kiểu dáng mới lạ cho “những đứa con cưng” của họ.

Nghe anh kể về thời kỳ huy hoàng của nghề bửng xe khi mới sáng sớm đã có khách tìm, tối muộn việc vẫn chưa xong, chúng tôi hình dung ra một người thợ với mê trận như thế nào mà có thể biến những con xe cũ kỹ, cùi bắp trở nên bóng loáng, mới như vừa mua. Không phải là một cửa hàng hoành tráng với linh kiện, máy móc đầy đủ. Người thổi hồn cho xe ấy lại khiêm nhường bên một tiệm nhỏ chỉ chục mét vuông với những dụng cụ rất thô sơ như mỏ hàn, dao bào, cưa, giũa... Thế mà dưới bàn tay của anh, những dè xe, cổ xe, bị rách, bị sờn, thậm chí bị đứt lìa, hay cũ xì ấy sau dăm ba tiếng bỗng trở nên sáng loáng, như khoác áo mới.

Làm sao để biến những thứ cũ kỹ, hỏng hóc kia trở nên lộng lẫy chỉ với vài đồ dụng cụ nhỏ bé và sơ sài? Anh Hưng chậm rãi nói với tôi: “Để làm được, cần có một chút năng khiếu, biết nhìn và chỉnh cho khớp từng bộ phận vỏ xe, để khi mài giũa không bị cong vênh và mầu sắc cũng phải đúng với nguyên bản ban đầu”.

Ngồi nhìn anh Nguyễn Thành Hưng mê mải với miếng dè xe bị vỡ một đường khoảng 10 cm, tôi phần nào hình dung ra các thao tác trong việc xóa cũ, làm mới miếng nhựa này mà không hề để lại dấu vết. Đầu tiên người thợ sẽ dùng một chiếc dao cạo, làm sạch bề mặt bị xước hoặc lồi lõm, sau đó dùng mỏ hàn hàn kín lại vết rách hoặc nứt. Cuối cùng lại dùng giũa để chà cho mịn, rồi dùng sơn để sơn lên cho trùng mầu với nguyên bản ban đầu. Bằng ấy thao tác, tưởng như đơn giản, nhưng để có thể phục dựng lại mới y như lúc đầu mà mắt thường không nhìn ra được nơi ấy từng bị vỡ nát quả là một kỳ công. Nếu không có con mắt tinh xảo và đôi bàn tay khéo léo, thì cuối cùng miếng vỡ chỉ là một vết hàn lộ liễu. Đằng này, trong cuộc đời làm nghề mới xe của anh Hưng, công việc ấy, đã được mài giũa, chà nhám, đánh bóng trở nên điêu luyện. Tới mức, khi tôi đang thong thả nhâm nhi một ly cà-phê nhìn anh sửa đồ, mà chỉ dăm phút sau, miếng vỡ ban đầu đã “lột xác” hoàn toàn như chưa hề bị va quệt.

Anh Nguyễn Thành Hưng và một khách quen.

Anh Nguyễn Thành Hưng và một khách quen.

Tương lai nào cho nghề kén người này?

Anh Hưng cho biết: “Trước đây, khi độ xe còn đang mốt, bản thân tôi từng chế ra rất nhiều kiểu dáng trang trí cho xe, để dân chơi có cái mà đọ với nhau. Còn bây giờ, người ta lại thích xe... còn zin. Vậy nên, mình phải làm cách nào đó để nó y như mới”.

Với một người thợ gắn bó 30 năm với nghề phục dựng lại xe như anh Hưng thì việc phải nắm rõ, tỏ tường từng kích thước của tất cả các loại xe đời cũ lẫn đời mới là điều không thể không biết. Do vậy, mà khách của anh, nhiều người lặn lội cả vài ba chục cây số mang vỏ xe tới nhờ làm mới là việc hầu như mỗi ngày.

Vì giá tiền thuê mặt bằng 10 m2 không giảm mà dịch bệnh kiếm sống khó khăn nên anh Hưng đã rời qua tiệm thuốc gần đó nương nhờ ở mảnh sân nhỏ làm nghề. Một người thợ cần mẫn và có phần lặng lẽ bên phố, anh như một hình ảnh quen thuộc cạnh tấm biển nhỏ bé, luôn bị xe máy bên hè che khuất. Thế nhưng, dù tiệm của anh Hưng có “núp kỹ” bên góc phố thì anh vẫn là một địa chỉ để bửng xe với nhiều khách hàng dù quen hay vãng lai ở thành phố Biên Hòa.

“Sao anh không tìm một ai đó truyền nghề?”. Tôi hỏi. “Cũng muốn lắm, nhưng lớp trẻ giờ chạy theo nhiều nghề khác, bỏ rơi nghề này rồi. Không biết sau khi tôi rời nghề này thì chắc chẳng còn ai theo đâu”.

Anh Hưng gọi người dạy nghề của mình là sư phụ. Anh ngậm ngùi nói: “Giờ sư phụ mất rồi, tôi cũng theo nghề 30 năm. Còn lại khu cổng hai này chỉ dăm ba người theo nghề”. Nếu mười, hai mươi năm trước đây vá nhựa xe là một nghề thịnh hành, thì nay khi đời sống xã hội phát triển, nhu cầu về phương tiện đổi thay, theo hướng cao cấp tiện nghi hơn, cả Biên Hòa giờ đây cũng chỉ còn mấy người gắn bó với nghề vá áo cho xe này. Một nghề không phô trương ở những cửa hàng hoành tráng, với biển quảng cáo bắt mắt. Những người thợ, cứ cần mẫn, cặm cụi bên phố phường đông đúc, như một cách neo vào đời sống vốn vất vả. Biết là chẳng lo sẽ phải cạnh tranh hay giành khách nhưng sao nghe câu chuyện anh kể, tôi vẫn thấy thoáng băn khoăn.

Nhiều chiếc xe nếu vì một lý do nào đó mà bị hỏng toàn bộ phần vỏ bên ngoài xe, hoặc bị vỡ thành các mảng hay nứt, rách, hoặc sờn, mòn. Thay vì mua mới với giá tiền đắt đỏ, thì đem qua chỗ của anh Hưng để vá lại, giá tiền chỉ bằng một phần ba hoặc cùng lắm là phân nửa. Những người thợ như anh Hưng có những vị khách đặc biệt. Hai bên gắn bó với nhau có khi tới 20-30 năm vì khách đã quen với tay nghề của thợ cũng như thợ luôn dành tất cả tâm huyết và sự tử tế để cố gắng mang đến cho khách của mình, dù là ai, một sản phẩm cẩn thận nhất, mới nhất.

Anh Hồng Châu, một dân chơi xe cổ ở Biên Hòa, cũng là người từng mang nhiều xe máy của mình đi… vá, nói: “Đừng tưởng chỉ nhìn qua là làm được. Khi cầm cái mỏ hàn trên tay, không chỉ là hàn cho hai bên miếng vỡ gắn vào nhau mà phải có năng khiếu, có hoa tay mới có thể biến chúng thành như mới”.

Bởi từng có nhiều lần ngắm nhìn những con xe Spacy, Dream, Honda 67, Super Cub… qua bàn tay tài hoa của Nguyễn Thành Hưng, cũng như những người cùng nghề biến tấu, chúng trở nên mới tinh, bóng loáng, tôi mới thấm thía, phải có một con mắt tinh tường, sự ước đoán kích thước và cắt gọt, mài giũa từng milimet, chúng mới có thể đẹp mãi với thời gian như vậy.

Bài & ảnh: KINH KHA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-phongsu/va-bung-xe-vang-nguoi-noi-nghe-677479/