Và lương tri kêu cứu
Trái với suy nghĩ của phần đông nhân loại, thế giới không hề đông cứng trong nỗi sợ hãi mang tên COVID-19. Tuy nhiên, sự sinh động này trong đời sống chính trị quốc tế không phải chỉ là những vận động mang ý nghĩa tích cực, mà đáng buồn, có không ít những động thái 'thừa nước đục thả câu'.
Lời kêu gọi giữa thinh không
Có một lời kêu gọi thống thiết được cất lên bởi Hilal Elver - chuyên gia phụ trách các vấn đề về nhân quyền của Liên Hợp quốc vào ngày 31-3. Hôm đó, bà chính thức đặt vấn đề rằng: Cần phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế hiện đang áp dụng với nhiều nước, bao gồm Cuba, Iran, CHDCND Triều Tiên, Venezuela, Syria... và thậm chí là cả Zimbabwe.
Bà khẳng định: “Những biện pháp trừng phạt kinh tế này đang làm suy giảm nghiêm trọng quyền cơ bản - được cung cấp đầy đủ thực phẩm - đối với công dân các quốc gia ấy. Đây là một vấn đề nhân đạo khẩn cấp!”.
Vô hình trung, lời kêu gọi này gợi lại một thuật ngữ mà Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif từng sử dụng hồi đầu tháng 3, khi lên án Mỹ thực hành “chủ nghĩa khủng bố y tế” (medical terrorísm) bằng cách “siết chặt các lệnh trừng phạt bất hợp pháp một cách ác ý nhằm làm cạn kiệt các nguồn lực cần thiết để Iran chống chọi với đại dịch COVID-19”, trong bối cảnh “người dân Iran đang chết dần chết mòn”.
Và một tuần trước khi bà Hilal Elver lên tiếng, bà Michelle Bachelet - Cao ủy về nhân quyền của Liên Hợp quốc - cũng đã đề xuất nới lỏng những lệnh trừng phạt đó. Tuy nhiên, chẳng ai đáp lại đề xuất này.
Ngày 31-3, khi Liên Hợp quốc chính thức “có lời”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới “đăng đàn” để cho biết rằng: “Washington vẫn liên tục đánh giá lại các chính sách đối ngoại của mình và sẽ cân nhắc về các vấn đề liên quan tới cấm vận hay trừng phạt, nhằm giúp đỡ người dân ở một số nước chống đỡ với đại dịch COVID-19”.
Song, “cân nhắc” thế nào thì ông không hề nói rõ.
Ngày 2-4, một nghị quyết do nước Nga soạn thảo và dẫn đầu đệ trình lên Liên Hợp quốc, kêu gọi đoàn kết và hợp tác toàn cầu chống COVID-19, đồng thời đề nghị giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, đã bị phủ quyết bởi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Ukraina và Georgia.
Ngày 4-4, sau khi cảnh báo sẽ đáp trả mọi hành động đe dọa an ninh từ Mỹ, Iran tiếp tục kêu gọi EU chống lại “các lệnh trừng phạt vô nhân đạo” mà Mỹ khởi xướng.
Cho đến lúc ấy, dường như chuyện Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đích thân lên tiếng để khẳng định rằng “hợp tác quốc tế là vấn đề sống còn của thế giới trước đại dịch COVID-19”, vào hạ tuần tháng 3, chẳng có chút trọng lượng nào, chẳng liên quan đến ai, như thể đôi tai của những người mà ông muốn nghe đều đã đột nhiên bị bịt lại.
Cơ hội trời cho
Song, diễn biến thực tế còn tồn tại hơn như vậy gấp bội. Ở một khía cạnh nào đó, với những gì đã diễn ra trong những ngày đầu tháng 4, sự lãnh đạm đầy ác ý vẫn còn là điều tử tế - một nghịch lý chua xót của nhân loại.
Chỉ vài ngày sau khi Venezuela ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus SARS-Cov-2, tàu chiến Mỹ đến gần bờ biển Venezuela, trong khi Washington đưa ra một lời “gợi ý tế nhị”: Thành lập một chính phủ chuyển tiếp lâm thời ở quốc gia Mỹ latin này. Caracas xem đề xuất đó (được EU ủng hộ) là “can thiệp vào vấn đề nội bộ quốc gia”, “xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình” và “vi hiến, có tính can thiệp cũng như âm mưu lật đổ”.
Đó là “chiếc gậy”, còn “củ cà rốt” đổi lại là việc phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang áp đặt với Venezuela nếu chính phủ lâm thời chuyển tiếp được thành lập. Những tính toán chính trị vẫn triển khai tàn nhẫn như thế vào thực tế và sinh mạng của hàng triệu người trong dịch bệnh vẫn bị biến thành món hàng đổi chác trong trò chơi quyền lực.
Bên kia đại dương, những hạm đội Mỹ khác đã lại áp sát các bờ biển Syria hay Iran. Người ta không thể không nghi ngại rằng chỉ cần một mồi lửa bạo loạn trong lòng các quốc gia vốn đã tan hoang đó, lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ không chịu khoanh tay ngồi yên (mà có thể là đã nhận được các chỉ thị cụ thể cho các phương án bí mật).
Không chỉ Mỹ. Ở Biển Đông, cũng đã có những hành động mang tính khiêu khích được đẩy mạnh, từ một trung tâm quyền lực quốc tế khác - Trung Quốc. Bất cứ sự xao nhãng nào của các quốc gia đang căng mình chống dịch cũng dễ dàng phải trả giá đắt. Tình thế, vì vậy, lại trở nên nặng nề và căng thẳng gấp đôi.
Tai họa, trong những trường hợp này, đã, đang và vẫn sẽ được sử dụng như những công cụ đắc lực, nhằm phục vụ các mưu toan “định bá đồ vương”. Không có tình cảm trong chính trị nhưng có lẽ thế giới hiếm khi phải đối diện với sự suy kiệt về lương tri và các giá trị nhân bản lạnh lùng đến vậy.
Những lời nguyện buồn trên mộ địa
Có lẽ không nhà quan sát quốc tế tỉnh táo nào đủ lạc quan rằng những lời kêu gọi hay những sự phản đối, dù thống thiết hay gay gắt đến đâu, sẽ có đủ sức mạnh để thay đổi các hành động “thừa gió bẻ măng”. Đó là một phần tất yếu của cuộc chơi và khi chúng đã được kích hoạt, gần như là không thể dừng những guồng quay lại.
Đương nhiên, nếu chính các đại cường trở nên hoang tàn vì dịch bệnh, điều gì cũng có thể xảy đến. Có điều, hẳn sẽ rất ít người mong mỏi viễn cảnh tàn độc đó, cho dù căm phẫn đến đâu hay uất ức đến nhường nào. “Tính người” dù sao cũng vẫn luôn hiện hữu, trong đại đa số các linh hồn đang cầu nguyện hằng ngày cùng thế giới trong cơn đại dịch.
Nhưng, ngay vào lúc này, Liên Hợp quốc - thiết chế quyền lực tối cao của thế giới trên lý thuyết - có thể làm được điều gì, để giảm bớt những toan tính mờ ám và gắn kết cộng đồng vì một mục tiêu duy nhất là chiến thắng COVID-19?
Câu hỏi này, thực tế, cũng như những chất vấn về xung đột, chiến tranh, khủng bố hay biến đổi khí hậu toàn cầu, không thể có lời đáp. Việc biến Liên Hợp quốc thành một tổ chức giàu quyền lực hơn, công bằng hơn, với những công cụ và cả những chế tài hữu hiệu hơn nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển đã luôn bị lũng đoạn bởi các trung tâm quyền lực. Những đòi hỏi và cả các kế hoạch cải tổ Liên Hợp quốc đã được nhắc đến từ cuối thế kỷ XX, nay vẫn chỉ là những gạch đầu dòng sơ sài. Antonio Guterres, cuối cùng, cũng chỉ là một vị Tổng Thư ký Liên Hợp quốc “trong tay không tấc sắt” khác nữa.
Có lẽ, khi và chỉ khi mọi lợi ích cốt lõi bị động chạm dữ dội, đặc biệt là lợi ích kinh tế, chủ nghĩa biệt lập cũng như những hệ quả mang màu sắc ích kỷ của nó mới có thể bị đẩy lùi. Đến lúc ấy, có lẽ việc những tư tưởng đề cập đến việc tái định hình các hệ giá trị của thời đại này, như Noah Harrari hay Bill Gates, mới thực sự được chú ý bởi các chính khách.
Còn hiện tại, ngay khi những huyệt mộ được đào sẵn hàng loạt ở khắp nơi trên thế giới, nhằm đón đợi những nạn nhân xấu số của COVID-19, mặc kệ những lời kêu cứu tuyệt vọng của lòng nhân đạo, mặc kệ những lá cờ nhân ái phất lên, trò chơi quyền lực vẫn cứ lạnh lùng diễn ra...
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/va-luong-tri-keu-cuu-591462/