Và thu thuở ấy…

Nếu tính cuộc đời của một đời người, thì chắc chắn rằng, tuổi còn cắp sách đến trường là tuổi đẹp đẽ nhất. Và tuổi học trò cũng đã đem nhiều hứng thú cho nhà văn nhà thơ để viết nên những tác phẩm đi vào lòng tuổi trẻ khó mà quên được. Và âm nhạc cũng đã không quên viết về tuổi còn đi học. Nhưng có điều là, không phải nhạc sĩ nào cũng viết được về đề tài này?

Nói về “Nhạc học sinh” thì có lẽ nhạc sĩ Thanh Sơn đứng đầu danh sách cả hai miền Nam - Bắc về số lượng cũng như chất lượng?

Cố nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện. Sinh năm 1940 tại Sóc Trăng, mất năm 2012 tại Sài Gòn. Anh còn có bút danh Sơn Thảo. Phần đông những người viết nhạc, trước khi thành nhạc sĩ họ là những ca sĩ, và Thanh Sơn cũng là ca sĩ khi anh vừa mới tròn 17 tuổi (trong một lần tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn. Xin lỗi vì lâu quá nên không nhớ năm).

Nhạc sĩ Thanh Sơn đã sáng tác (theo thống kê trên mạng: Trước 1975 gần 100 bài, sau 1975 cũng gần con số ấy). Đây là một nhạc sĩ miền Nam sáng tác rất đều tay, vì ở hoàn cảnh nào Thanh Sơn cứ làm theo chức năng của một người nhạc sĩ. Với 200 bài hát thì chỉ đứng sau Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương? Nhân việc này, tôi xin thưa rằng: Cho dù nhạc sĩ nào, có sáng tác được bao nhiêu là không quan trọng, chỉ quan trọng những bài hát được nhiều người hát, nhiều người thuộc, ai cũng biết, nổi tiếng vượt thời gian. Tôi tính “Phẩm” chớ không tính “Lượng”.

Nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết được 200 ca khúc, nhưng người nghe chỉ chú ý đến những bài hát viết về “Tuổi học trò”: Ba tháng tạ từ, Hạ buồn, Lưu bút ngày xanh, Nỗi buồn hoa phượng, Tình học sinh… Chỉ bao nhiêu đó cũng đủ làm nhạc sĩ rồi! Và hình như người đời biết nhạc sĩ Thanh Sơn qua “Nỗi buồn hoa phượng”! Và cũng thành thật xin lỗi mà nói rằng: Có không ít bài hát, hát một lần rồi cất vào…tủ. (tôi đã có viết bài: “Có những bài quên không bao giờ ca” là nói về những bài hát chỉ hát một lần!).

Riêng bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” đã được người ta nhắc đến nhiều trong tiếng hát và bài viết. Ở bài viết ngắn này, tôi xin nhắc nhớ “Lưu bút ngày xanh”, một ca khúc dễ thương ra đời từ năm 1962, Thanh Sơn viết ở Đà Lạt. Bài hát này chính hiệu “con nai vàng” boléro, viết ở Mi trưởng và Thứ xen kẽ nhau. Thường thì bài hát nào được viết đoạn A là Thứ, ở đoạn giữa B chuyển qua Trưởng (ĐK) rồi trở lại A Thứ cho đến hết. Bài hát nào viết theo công thức này thường là bài hát “gây ấn tượng” cho người nghe. Và cũng rất ít bài viết loại này.

Ngày đi học, chúng tôi thường viết lưu bút mỗi khi hè sắp đến, mỗi khi sắp xa mái trường. Lưu bút, một thứ văn hóa học đường, viết với lối văn “học trò” đọc thấy dễ thương. Đọc lưu bút để được xem “văn là người” chính xác đến 99%!

Nghe lại “Lưu bút ngày xanh” để nhớ một thời tóc xanh, một câu chuyện tình học trò mà ngày nay tưởng chỉ có trong cổ tích như:“mái đổ tường rêu”, “tiếng nói ngây thơ”, “đuổi bướm hái hoa”, “hoàng hôn rớt trên vai”, “nhặt hoa rơi mà không nói nên câu”, “ngày hai đứa dìu nhau đến sân trường”… Hình ảnh ấy sao nó đẹp long lanh, đẹp thánh thiện, khó có ai làm vẩn đục một thời thanh xuân dưới mái trường của thuở ấy.

Và thuở ấy trong “Lưu bút ngày xanh”:

“… Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi nhắc lại câu chuyện buồn/ Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu nơi kỷ niệm êm ái/ Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ?/Ngày hai đứa dìu nhau đến sân trường/ Cùng đuổi bướm hái hoa trên cuối đường/ Tiếng cười vạn niềm thương…”

Đó chỉ là hiện tại, nhưng thời gian đã đem “hiện tại” ấy trở thành quá khứ:

“… Và thuở ấy biết bao nhiêu buồn vui gói trọn theo tuổi đời/ Tình đẹp như trang giấy kết vần thơ như một nụ hoa trắng/ Nhưng bao nhiêu yêu dấu đã phai mờ/ Thời gian nỡ vùi chôn tuổi học trò/ Người em gái mến thương nơi chốn nào

Bao giờ mình gặp nhau…”

Bài hát “Lưu bút ngày xanh” nếu tính đến năm nay, nó đã tồn tại hơn nửa thế kỷ! Thế mới biết bài hát nào “hợp lòng dân” dù không “thuận lòng trời” nó cũng vẫn ngủ yên trong lòng người nghe, nếu dịp là nó thức dậy, cất tiếng.

Hãy xem một thước phim quay chậm trong “Lưu bút ngày xanh” của một thời đã qua, kết thúc đời học sinh để đi vào đời:

“... Ngày biệt ly hai đứa đứng nhìn nhau anh cài cành hoa tím/ Hoa xưa đây nhưng bóng dáng em đâu/ Dòng nhật ký đã ghi nốt tâm tình/ Và đôi lúc nhớ nhau lưu bút còn để lại chuyện buồn vui…”.

Và thuở ấy, lưu bút ngày xanh.

Và bây giờ tôi nhớ nhạc sĩ Thanh Sơn - xin một bó hoa tươi thắm gởi về anh - người đã đi xa!

TRẦN HỮU NGƯ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/va-thu-thuo-ay-123372.html