Vaccine uốn ván có tác dụng trong bao lâu?
Nếu đã tiêm vaccine uốn ván lần cuối cùng quá 10 năm, bạn phải tiêm nhắc lại một liều vaccine kể cả với vết thương nhỏ, sạch.

Vaccine uốn ván có thể bảo vệ được trong khoảng 10 năm, sau đó khả năng miễn dịch giảm dần. Ảnh: Freepik.
Khi nghe đến "uốn ván", bạn có thể liên tưởng đến việc dẫm phải đinh; tuy nhiên, nhiều chấn thương có thể dẫn đến uốn ván và không nhất thiết phải liên quan đến rỉ sét.
Uốn ván, thường được gọi là "bệnh cứng hàm", là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bệnh này do vi khuẩn Clostridium tetani, vi khuẩn nhỏ sống trong đất, bụi và phân gây ra. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua da bị rách, thậm chí là những vết thương nhỏ như trầy xước.
Một số vết cắn của côn trùng và động vật cũng có thể có loại vi khuẩn này. Khi đã vào máu, vi khuẩn sẽ tấn công não và tủy sống, làm tê liệt hàm và gây ra những cơn co thắt đau đớn.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh uốn ván.
Tầm quan trọng của vaccine uốn ván
Theo Health Shots, vi khuẩn Clostridium tetani phổ biến trong môi trường, nên tiêm vaccine là cách duy nhất để phòng ngừa. Vaccine uốn ván giúp cơ thể tạo kháng thể, trung hòa độc tố, ngăn bệnh diễn tiến nặng, thậm chí không qua khỏi.
Có nhiều loại vaccine uốn ván khác nhau, cũng cung cấp khả năng bảo vệ chống lại các bệnh khác, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC):
DTaP: Bạch hầu, uốn ván và ho gà hoặc ho gà
Tdap: Uốn ván, bạch hầu và ho gà
Td: Uốn ván và bạch hầu.
Bao lâu nên tiêm nhắc lại vaccine uốn ván?
Vaccine bảo vệ chống lại bệnh uốn ván có tác dụng trong thời gian dài, nhưng không kéo dài mãi mãi, theo WebMD. Vaccine uốn ván có thể bảo vệ được trong khoảng 10 năm, sau đó khả năng miễn dịch giảm dần. Để đảm bảo bạn được bảo vệ lâu dài, cần tiêm liều tăng cường sau mỗi 10 năm, kể cả khi bạn có vết thương nhỏ, sạch.
Tuy nhiên, trong trường hợp vết thương nghiêm trọng, chẳng hạn vết cắt sâu, vết bỏng hoặc vết cắn của động vật, có thể cần tiêm liều tăng cường sớm hơn nếu liều cuối cùng được tiêm cách đây hơn 5 năm.
Nếu bạn không chắc chắn về thời điểm tiêm vaccine uốn ván cuối cùng, tốt hơn hết là nên an toàn và tiêm thêm một mũi nữa để chắc chắn.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo tiêm vaccine uốn ván chủ động trước khi có thai và trong mỗi lần thai kỳ. Với lần mang thai đầu tiên, thai phụ sẽ được tiêm 2 mũi uốn ván, cách nhau ít nhất một tháng và cách thời điểm sinh một tháng. Từ lần mang thai thứ hai, mỗi lần mang thai, thai phụ cần tiêm một mũi uốn ván.
Tác dụng phụ của vaccine uốn ván
Vaccine uốn ván vô hại với mọi người, kể cả trẻ em, chỉ có tác dụng phụ đều nhẹ và tạm thời:
Phản ứng phổ biến nhất là đau, đỏ hoặc hơi sưng tại vị trí tiêm
Một số người có thể bị sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu hoặc đau nhức cơ
Một số ít người có thể bị buồn nôn nhẹ hoặc cảm thấy không khỏe trong một thời gian ngắn sau khi tiêm
Tuy nhiên, những triệu chứng này không kéo dài lâu và tự biến mất.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vaccine-uon-van-co-tac-dung-trong-bao-lau-post1555995.html