Vạch trần nhiều chiêu trò mới buôn lậu, gian lận thương mại
Thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo 389 hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua không phát sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp, nổi cộm trên tất cả các tuyến. Tuy nhiên, tình hình vẫn 'nóng' khi có nhiều 'chiêu trò' mới như ma túy có gắn định vị thả trôi giạt trên biển, hay tình trạng lợi dụng thương mại điện tử đang gia tăng.
Vẫn "nóng" buôn lậu ma túy, thuốc lá, pháo nổ
Nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, thời gian gần đây, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, không phát sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp, nổi cộm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới, cửa khẩu.
Nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, rượu, thuốc lá điếu, thuốc lá nguyên liệu, ngoại tệ, dầu DO, gia cầm giống, thực phẩm đông lạnh… qua biên giới các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Trên biên giới Việt Nam - Lào, các đối tượng lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, chính sách thương mại ở khu vực cửa khẩu để móc nối buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới, gian lận thương mại.
Nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, vàng, rượu ngoại, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… qua biên giới các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum.
Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hàng hóa được tập kết sẵn tại các kho, điểm giáp biên giới, sau đó đối tượng thuê cư dân khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc trà trộn với các loại hàng hóa nhập khẩu để vận chuyển trái phép qua cửa khẩu vào Việt Nam.
Vi phạm chủ yếu là hoạt động buôn lậu, trốn thuế, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, tiền Việt Nam, đường cát, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử, điện lạnh… qua biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Trên biển và tại các cảng biển, đối tượng lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa trên các vùng biển, cảng biển để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, sản phẩm động vật hoang dã, đường cát, rượu, xăng, dầu, than, khoáng sản, đồng hợp kim, phân bón, thực phẩm đông lạnh, gia cầm giống, hàng hóa nguồn gốc nước ngoài đã qua sử dụng…
Vi phạm tập trung ở các vùng biển, cảng biển tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang...
Nổi cộm nhất là hiện tượng số lượng rất lớn chất ma túy cocaine chưa rõ nguồn gốc trôi dạt vào bờ biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), quá trình đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy Đông Nam Á không phải là thị trường tiêu thụ chính cocain. Các đối tượng đã lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma túy qua Việt Nam để mang sang nước khác tiêu thụ.
Ma túy trôi dạt trên biển được đóng thành từng bánh, trọng lượng 1 kg, khác với ma túy mua bán ở khu vực Đông Nam Á và các quốc gia trong khu vực. Qua một số vụ phát hiện, thu giữ, các gói ma túy này được đóng gói và có thiết bị định vị, chứng tỏ đối tượng bán thả ma túy để các đối tượng khác trục vớt đi tiêu thụ. Đây là phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm.
Lợi dụng thương mại điện tử có chiều hướng gia tăng
Hàng không và bưu chính quốc tế là tuyến đường trọng điểm trong vài năm trở lại đây khi lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ việc đối tượng ngụy trang, cất giấu hàng cấm như ma túy lẫn trong hành lý ký gửi, xách tay hoặc hàng hóa ký gửi hoặc cất giấu hàng hóa gọn, nhẹ, có giá trị cao như rượu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… lẫn trong hàng hóa nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép qua các cảng hàng không và bưu chính quốc tế vào Việt Nam.
Những tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ).
Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 172,28% so với cùng kỳ); 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 9,7 ); 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 8,55%).
Trong nội địa vẫn tồn tại tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ như quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia, hàng đông lạnh, bánh, kẹo…
Tuy các hoạt động này không quá phức tạp, chưa phát sinh điểm nóng nhưng diễn ra ở hầu hết các địa bàn nội địa trọng điểm tỉnh, thành phố.
Hoạt động sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm như ma túy, pháo nổ, quần, áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, rượu, bia, bánh, kẹo, thực phẩm các loại diễn ra phức tạp trong các dịp lễ, tết ở hầu hết các địa bàn các tỉnh, thành phố.
Việc lợi dụng thương mại điện tử, mua sắm trên các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,... có chiều hướng gia tăng trên các địa bàn tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hoạt động mua bán trái phép hóa đơn số lượng lớn có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn một số tỉnh, thành phố, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện./.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan thuộc Bộ Công thương thực hiện xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu thương mại điện tử dùng chung để có thể tăng cường quản lý hoạt động giao dịch, người bán, nền tảng trên những hạ tầng.