Vải thiều sẵn sàng cho xuất khẩu mùa vụ 2025

Năm 2025, sản lượng vải thiều dự kiến sẽ đạt khoảng 303.000 tấn, tăng mạnh 30% so với năm trước. Trước tín hiệu tích cực này, ngành nông nghiệp đã khẩn trương triển khai các phương án thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sớm, tạo nền tảng vững chắc cho một mùa vải thắng lợi.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), niên vụ vải thiều 2025 tại Việt Nam đang hứa hẹn một mùa bội thu với sản lượng dự kiến tăng khoảng 30% so với năm ngoái, đạt trên 303.000 tấn, nhờ vào điều kiện thời tiết thuận lợi và sinh vật gây hại được kiểm soát tốt. Trong đó, Bắc Giang sẽ có khoảng 165.000 tấn, Hải Dương 60.000 tấn, Hưng Yên 22.000 tấn, Lạng Sơn 22.000 tấn, Đắk Lắk 21.000 tấn…

Hiện nay, tại vườn vải của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, chỉ khoảng hai tuần nữa, những trái vải sẽ cho thu hoạch và là những trái vải sớm đầu tiên của địa phương này. Bà con nông dân đang tích cực theo dõi và chăm sóc vườn vải một cách kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng quả. Năm nay, toàn huyện có gần 3.300 ha diện tích trồng vải, với sản lượng dự kiến đạt khoảng 35.000 tấn, bao gồm cả vải sớm và chính vụ. Riêng vải sớm ước đạt 20.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian thu hoạch vải thiều diễn ra tương đối ngắn và tập trung, chia làm hai giai đoạn chính: vải sớm từ 20/5 đến 10/6 và vải chính vụ từ 10/6 đến 25/7. Do đó, các khâu chuẩn bị cho thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cần được triển khai từ sớm để đảm bảo hiệu quả và tránh ùn ứ trong thời gian cao điểm.

Ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các đơn vị chuyên môn đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giám sát an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giám sát dư lượng hóa chất, kim loại nặng trên quả vải nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn cho tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, Cục và các đơn vị chuyên môn đã có chỉ đạo từ đầu vụ để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giám sát dư lượng, kim loại nặng trên quả vải.

Từ nay đến cuối vụ, nông dân cần tập trung theo dõi và xử lý sâu đục cuống vải; theo dõi thời tiết, có biện pháp xử lý ngay nếu nắng nóng kéo dài vào thời gian chuẩn bị thu hoạch và thu hoạch. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát các vùng trồng vải để hướng dẫn ứng phó với các tình huống bất thường, bảo vệ thành công năng suất, chất lượng.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cho biết năm nay, mỗi thị trường xuất khẩu lại có những yêu cầu khác nhau về mẫu mã, độ ngọt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và hiện tại đơn đặt hàng đã tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vải thiều tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm tới 90% tổng sản lượng xuất khẩu.

Để đảm bảo chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trên quả vải đã được triển khai đồng bộ. Các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu cũng chủ động phối hợp với cơ quan liên ngành và cơ quan kiểm dịch của nước nhập khẩu, chủ yếu là Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện thông quan nhanh chóng cho các lô hàng.

Song song đó, các doanh nghiệp được kết nối với hệ thống kho lạnh quy mô lớn để hỗ trợ nông dân bảo quản vải trong thời gian chờ tiêu thụ. Trường hợp cần thiết, các địa phương cũng có thể huy động nguồn lực đầu tư kho lạnh tạm thời và thiết lập các điểm sơ chế lưu động, góp phần giảm áp lực tiêu thụ trong giai đoạn cao điểm thu hoạch. Ngoài ra, các hợp tác xã cũng rất chú trọng chất lượng, kết nối với các hệ thống phân phối để đảm bảo cung ứng những trái vải chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng Việt Nam.

T. Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/vai-thieu-san-sang-cho-xuat-khau-mua-vu-2025-164123.html