Nông dân Kiên Giang làm theo lời Bác

Thấm nhuần lời dạy của Bác: 'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất', nông dân Kiên Giang không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần làm giàu cho quê hương. Mỗi người một cách, nhưng đều chung tinh thần chịu khó, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

“BÀ ĐỠ” CHO TÔM

Hơn 30 năm trước, ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ xã Tân Thạnh (An Minh) đã ấp ủ một ý tưởng táo bạo là phải làm tôm giống tại chỗ để không phụ thuộc nguồn tôm giống ở các tỉnh miền Trung giá cao lại dễ trúng lô hàng kém chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ xã Tân Thạnh (An Minh) tại khu sản xuất tôm giống của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ xã Tân Thạnh (An Minh) tại khu sản xuất tôm giống của gia đình.

Nói là làm, ông Hiếu ra tận cửa biển Rạch Gốc (Cà Mau), nhờ bạn ghe giữ lại những con tôm sú mẹ ôm trứng. Mỗi tôm mẹ nặng khoảng 300 gram, giá bán 3 triệu đồng. “Đắt đỏ là vậy, mà công chăm sóc còn cực gấp bội. Tôm đẻ buổi tối. Vợ chồng tôi thay phiên nhau thức canh từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng để khi tôm quậy ổ phải mang qua bồn khác. Chậm tay chút là nó ăn hết trứng”, ông Hiếu nói.

Ông thuê người chở nước biển về lúc mặn quá, khi lại lạt như nước sông, tôm mẹ không chịu đẻ. Thế là ông tậu ghe, tự ra vàm Xẻo Nhàu lấy nước mặn đúng chuẩn 32‰, về lắng lọc, diệt sạch mầm bệnh rồi mới dám cấp cho “bà bầu tôm”.

Vượt bao nhiêu gian khó, mỗi tôm sú mẹ đẻ được 1,5 triệu con giống. Từ tôm sú, ông lấn sân sang tôm càng xanh, chỉ đẻ từ tháng 3 - 8, chịu mặn 13‰. Mỗi năm ông ươm được hơn 3 triệu con giống tôm càng xanh. Hiện cơ sở giống Trung Hiếu có 5 trại lớn, mỗi năm xuất bán hơn 100 triệu tôm giống post, doanh thu hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho gần chục người lao động nông thôn. Riêng hộ nghèo, ông Hiếu cho nợ con giống, không tính lãi. Năm 2025, ông Hiếu được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình xét là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

BIẾN RÁC THÀNH TIỀN

Ở ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành), bà Danh Thị Minh Trang 60 tuổi có cách làm ăn độc đáo. Trên mảnh vườn 6.000m², bà nuôi ốc bươu đen, trồng cà na Thái, ổi, chuối, mướp, dừa xiêm… theo kiểu thuận tự nhiên. Không phân bón, không thuốc, bà tận dụng rau cải hư từ chợ, mướp già, chuối rụng để nuôi cá, nuôi ốc, chi phí gần như bằng 0 đồng. “Có bữa người ta bỏ rau, tôi chở về cho ốc, cá ăn để khỏi tốn tiền”, bà Trang nói.

Bà Danh Thị Minh Trang, ngụ xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành) thu hoạch mướp.

Bà Danh Thị Minh Trang, ngụ xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành) thu hoạch mướp.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà còn cung cấp thực phẩm sạch cho các bếp ăn từ thiện, góp phần lan tỏa lối sống xanh, sống nghĩa tình. Bà vừa được Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Hiệp hỗ trợ vay vốn để đầu tư hệ thống tưới nước tự động và nhân giống thêm ốc bươu đen. Mỗi năm, bà thu lợi nhuận hơn 250 triệu đồng.

Nông dân Kiên Giang hiểu thi đua không phải là khẩu hiệu suông, mà là hành động cụ thể mỗi ngày theo phương châm “tiết kiệm, sáng tạo, bền vững”.

Bài và ảnh: AN LÂM

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/theo-guong-bac/nong-dan-kien-giang-lam-theo-loi-bac-26236.html