Vai trò của bà chủ

Có hai 'trường phái' tranh luận giữa các bà mẹ khi họ nói về việc có cần dạy con gái phải biết làm việc nhà hay không.

Nếu có bà mẹ cho rằng dứt khoát con gái phải biết “tề gia nội trợ” thì cũng có bà mẹ khăng khăng rằng điều đó không quan trọng.

Không cứ là gia đình giàu có, có người giúp việc, không để con tham gia vào những việc lao động tay chân trong gia đình, mà ngay ở những gia đình “thường thường bậc trung”, không có người giúp việc thì bà mẹ cũng ráng làm hết việc nhà để cho con mình được thong thả mà chú tâm học hành, quan niệm để con “sướng ngày nào hay ngày đó, mai mốt đi lấy chồng rồi khắc… biết!”.

Với cô con gái, khi ở nhà với mẹ, việc gì mẹ cũng làm, chỉ biết ăn, học và chơi. Tới lúc về nhà chồng cứ lóng nga lóng ngóng, cái gì cũng phải hỏi mẹ chồng. Đến khi ở riêng thì quá khổ! Riêng chuyện chăm con, dọn dẹp nhà cửa thôi cũng đủ hết ngày giờ, còn thời gian đâu để rèn luyện, nghiên cứu, tiến thân?

Ảnh mang tính minh họa.

Ảnh mang tính minh họa.

Một bà mẹ cho rằng bà không chịu nổi cảnh nuôi con gái lớn lên, chăm lo từng chút, cho ăn học đến nơi đến chốn để rồi sau ngày lấy chồng, mỗi ngày đi làm về, cô ấy lại vất vả với túm thịt, cá, rau, trong khi con rể cứ ở tận đâu, không biết phụ vợ. Chưa kể là mâm cơm mà cô ấy bỏ bao công sức để làm rồi chỉ có mình mình ăn.

Bởi vậy bà khuyên các bà mẹ khác rằng khi con gái còn ở với mình thì cứ cho nó sướng, mai mốt tự khắc biết làm. Vả lại, khi ấy nó cũng không thể nào ca cẩm là đời nó… vất vả từ bé đến lớn!

Đó là trường hợp bà mẹ có suy nghĩ thoáng. Việc gì đến sẽ đến, đời sống có nhiêu đâu mà lúc nào cũng ý tứ, khép mình? Trường phái thứ hai xem ra có vẻ cổ hủ. Dứt khoát con gái phải biết quán xuyến việc nhà.

Họ quan niệm, ai cũng phải làm việc, không việc này thì việc kia. Con cái không chỉ biết cắm cúi vào sách vở, mà còn phải phụ giúp cha mẹ. Họ đặt ra một kỷ luật sắt bắt con cái tuân theo. Tất nhiên, việc gì cũng có giá của nó. Con cái ở những gia đình này thì rõ là quá… khổ! Trong khi bạn bè thong thả, hết giờ học thì đi chơi, đi ăn, còn mình phải về nhà làm việc. Tuy nhiên, ý nghĩa của lao động không bao giờ là thừa hay vô bổ cả.

Đời, sướng khổ có số – nhiều người bây giờ quan niệm vậy. Con gái ở với cha mẹ chưa thể định hình được cuộc đời, phải đợi đến khi lấy chồng mới biết.

Một bà mẹ vốn là tiểu thư khuê các ngày xưa, một đời chỉ biết đọc sách, làm thơ. Sau khi sinh một bầy chục đứa con, bà quan niệm con gái tiểu thư không cần biết làm việc nhà, chỉ cần ăn học đến nơi đến chốn rồi lấy chồng. Vậy mà khéo làm sao, bốn cô con gái lớn đi lấy chồng toàn rơi vào nhà giàu, trong nhà có kẻ ăn người ở.

Vậy là các cô cứ nếp đó làm bà chủ. Chỉ còn cô út đến năm 16 tuổi thì gia đình bị sa cơ lỡ vận. Một tay cô quán xuyến việc nhà từ chăm mẹ (mẹ không biết làm gì, từ đi chợ nấu ăn đến giặt giũ) đến việc đảm đương về tài chính gia đình. Một lần các chị về nhà chơi, nhìn thấy em mình giỏi quá, ai nấy tròn mắt thán phục, sau đó còn đồng thanh lên án cách nuôi dạy con của bà ngoại.

Luận về số, có người cho rằng người đã sướng thì sướng toàn diện. Một phụ nữ vụng thì lại được ông chồng khéo tay, làm hết từ đầu đến cuối (thật ra, tại vợ vụng quá nên chồng phải xắn tay áo thôi!).

Nhân cơ hội ấy, nhiều người lại bảo “Biết nhiều khổ nhiều”. Mà rõ thật, người nấu ăn ngon là suốt đời cứ phải lui cui trong bếp; người cắm hoa đẹp, làm bánh ngon cũng bị hết nơi này đến nơi khác nhờ vả.

Con gái giỏi quá, khéo quá chưa chắc đã sung sướng, có chăng là chồng con được… nhờ thôi! Một bạn gái đã quá tuổi “băm” than thở trên trang blog của mình rằng có nhiều người đàn ông đến với cô, người nào cũng thành đạt, giàu có, muốn tiến đến hôn nhân với điều kiện duy nhất là họ cần có người vợ biết quán xuyến gia đình, cơm canh nóng sốt, nhà cửa đầy hoa, khách đến chơi bất cứ lúc nào cũng có sẵn mọi thứ để thết đãi và con cái ngoài học giỏi còn phải biết thi ca hội họa.

Cô gái không đáp ứng được yêu cầu đó vì cô còn có sự nghiệp và quan trọng hơn là cô không đủ khéo léo để xây dựng một mô hình gia đình kiểu “quý tộc” như vậy! Mẫu người phụ nữ sang trọng, quyền quý ấy không hợp với cô. Hơn nữa, nếu để làm một phu nhân thì cần gì công sức cha mẹ đã bỏ ra nuôi dạy, cho cô ăn học ngần ấy năm trời? Tại sao đàn ông lại ích kỷ đến như vậy nhỉ?

Chưa thể kết luận đàn ông có ích kỷ hay không khi họ mong muốn nhà cửa gọn gàng, đẹp đẽ, bữa cơm nào cũng ngon lành, con cái học hành giỏi giang. Nhưng suy cho cùng, chẳng lẽ những chuyện nội trợ (tốn rất nhiều thì giờ) đó lại đùn hết cho đàn ông?

Nhiều phụ nữ cho rằng chỉ cần có tiền thuê người giúp việc là xong. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề lại ở đây: đôi khi, một bà chủ gấm vóc lụa là, đẹp đẽ, sang trọng chưa chắc đã có sức hấp dẫn bằng cô gái quê mùa có đôi gò má ửng hồng đang lui cui trong bếp! Biết bao bằng chứng cụ thể về việc đổi ngôi bà chủ rồi.

Đừng trách đàn ông thế này thế kia. Một người đàn ông rất bình thường là người đàn ông thích nhìn ngắm vợ mình trán lấm tấm mồ hôi trong bếp với vai trò bà chủ đấy.

Kim Duy

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vai-tro-cua-ba-chu-20822.html