Vai trò của Bộ GDĐT trong quản lý chương trình, SGK được thể hiện như thế nào?

Dù vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng không thể nói Bộ GDĐT buông lỏng hay không giữ vai trò chủ đạo trong việc quản lý nhà nước về CT, SGK.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa khác bên cạnh 3 bộ sách xã hội hóa hiện nay hay không là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận tại Nghị trường những ngày qua.

Việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn một bộ sách giáo khoa là đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo kiến nghị của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của ngành giáo dục.

Theo dõi chương trình trao đổi của các đại biểu Quốc hội tại các phiên họp toàn thể trên hội trường về vấn đề chương trình và sách giáo khoa, là người đã tham gia nhiều lần biên soạn chương trình và sách giáo khoa, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ngạc nhiên trước một vài ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có vẻ đã buông lỏng quản lý nhà nước, khi không thực hiện biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ; Nhà nước xã hội hóa để các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo….

Ảnh: Diệu An

Ảnh: Diệu An

Để làm rõ quan điểm của mình, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống nêu dẫn chứng:

Trong chương VIII, Luật Giáo dục 2019 đã nêu rất rõ yêu cầu Quản lý nhà nước của Bộ về chương trình và sách giáo khoa. Cụ thể: “Quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; khung trình độ quốc gia; tiêu chuẩn nhà giáo; tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị trường học; việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, giáo trình; việc thi, kiểm tra, tuyển sinh, liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được sử dụng tại Việt Nam.” (Khoản 4, Điều 104).

Ngoài ra, Luật Giáo dục không có thêm yêu cầu nào khác về quản lý chương trình và sách giáo khoa. Như thế, đối chiếu với quy định vừa nêu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống chỉ ra 2 điểm:

Thứ nhất, về quản lý nhà nước, Luật Giáo dục không hề quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ.

Thứ hai, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện rất đầy đủ các yêu cầu về quản lí nhà nước nêu ở mục 4. Từ tổ chức biên soạn, thẩm định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến việc quy định các yêu cầu về biên soạn sách giáo khoa và các tiêu chí đánh giá sách giáo khoa (Thông tư 33).

Thầy Thống nêu dẫn chứng, trong lần đổi mới này, Chương trình giáo dục phổ thông mới là yếu tố pháp lý quan trọng nhất, sách giáo khoa chỉ là các học liệu. Việc chủ trì xây dựng chương trình, thẩm định và ban hành, thực hiện triển khai chương trình là quan trọng nhất. Đó chính là việc Bộ đã giữ vai trò chủ động, chủ đạo trong quản lý nhà nước về chương trình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chỉ đạo việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định thành lập các hội đồng thẩm định quốc gia, xem xét và phê duyệt các bộ sách đủ chất lượng được Hội đồng thông qua... Đó chính là trách nhiệm quản lý nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; phối hợp với các địa phương biên soạn, thẩm định và phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương; chuẩn bị thiết bị dạy học. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục...

Tiếp đến, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương hướng dẫn thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Bộ trưởng ban hành các văn bản triển khai chương trình giáo dục, triển khai việc đổi mới việc dạy học và kiểm tra đánh giá trong nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình 2018 linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục...

“Đó là một vài trong số rất nhiều dẫn chứng để thấy việc thực hiện quản lý nhà nước một cách chủ động và chủ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa”, thầy Thống nhận định.

Ảnh: Diệu An

Ảnh: Diệu An

Đã công tác trong ngành giáo dục hơn 40 năm, trong đó có 30 năm tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa, trải qua 3 lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội... Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống thấy: “Chưa lần nào việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa lại bài bản, kĩ càng và yêu cầu cao đến mức “khổ sở” như lần này. Không chỉ áp lực từ các yêu cầu và quy định của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cấp trên mà còn sự quan tâm, xem xét, góp ý của đông đảo các tầng lớp xã hội”.

Việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội đã và đang diễn ra ngày càng ổn định và thuận lợi. Tất nhiên việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa vẫn còn có những vấn đề cần điều chỉnh, uốn nắn; cần sự góp ý... nhưng về căn bản chương trình, sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng được những yêu cầu quan trọng được nêu trong Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội.

“Tất nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng không thể nói Bộ đã buông lỏng hay không giữ vai trò chủ đạo trong việc quản lý nhà nước về chương trình và sách giáo khoa”, thầy Thống nói.

Diệu An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vai-tro-cua-bo-gddt-trong-quan-ly-chuong-trinh-sgk-duoc-the-hien-nhu-the-nao-post239008.gd