Vai trò của chủ nghĩa đa phương: Tự nhiên như 'hơi thở'
Một cách tự nhiên, đa phương như trở thành 'hơi thở', len lỏi trong mọi khía cạnh của đời sống quốc tế.
Sự ra đời của Liên hợp quốc (LHQ) năm 1945 phản ánh khát vọng chung của nhân dân các nước về một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển sau những nỗi kinh hoàng của Thế chiến II.
Trong gần tám thập kỷ sau khi LHQ được thành lập, những thành tựu to lớn của hệ thống đa phương đã đưa hơn một tỷ người trên hành tinh thoát khỏi đói nghèo và đặc biệt là ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Một cách tự nhiên, đa phương như trở thành “hơi thở”, len lỏi trong mọi khía cạnh của đời sống quốc tế.
Chiến tranh và xung đột vốn được nuôi dưỡng bằng hận thù, sự thiếu vắng lòng tin. Do đó, nếu không có hận thù, lòng tin được củng cố thì rõ ràng có thể đẩy lùi xung đột, xóa bỏ chiến tranh và kiến tạo hòa bình. Những “trái ngọt” của đa phương phần nào minh chứng rõ cho lập luận giản đơn đó. Đông Nam Á đã từng phủ bóng bởi bất đồng, đối đầu, chia rẽ cho đến khi ASEAN ra đời và vững bước như ngày nay. Hai cuộc chiến tranh khốc liệt ở châu Âu từ năm 1914 tới 1945, khiến hàng triệu người thiệt mạng và để lại một lục địa bị tàn phá, kiệt quệ chỉ còn là “dĩ vãng” khi Cộng đồng kinh tế châu Âu (tiền thân của EU ngày nay) ra đời vào năm 1957.
Những chuyển biến sâu rộng của tình hình thế giới và khu vực đã tác động mạnh mẽ đến sức sống của chủ nghĩa đa phương, thay vào đó là những miết mải của đơn phương, chính trị cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ hay chủ nghĩa dân tộc vị kỷ…
Tại một phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ tháng 4/2023, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen và chưa từng có tiền lệ trong khi hệ thống đa phương hiện chịu sức ép “lớn hơn bất kỳ thời điểm nào” kể từ khi LHQ được thành lập.
Khi nhiều người còn chưa hết băn khoăn về hiệu quả, hiệu lực của các thể chế đa phương truyền thống thì ngay lập tức bị choáng ngợp với chuỗi trăn trở về mục đích, sứ mệnh của các cơ chế đa phương mới, cơ chế hợp tác “tiểu đa phương” đang hình thành… Mặc dù các nước, trong đó cả nước lớn và các nước vừa và nhỏ tiếp tục tận dụng các thể chế và cơ chế hợp tác đa phương để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, chung tay xử lý các vấn đề toàn cầu. Tuy vậy, vẫn chẳng thể chấm dứt các cơn “sóng ngầm” âm ỉ làm “méo mó” cách hiểu, tiếp cận chủ nghĩa đa phương. Các nhà lãnh đạo toàn cầu đang cứu vãn tình thế bằng hành động.
Có thể thấy rõ nỗ lực này từ Hội nghị thượng đỉnh Tương lai LHQ 2024 đến Hội nghị thượng đỉnh APEC, G20 hay COP29, Hiệp ước Tương lai đạt được tháng 9/2024 là thỏa thuận mang tính bước ngoặt, mà theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, là khởi đầu mới trong chủ nghĩa đa phương.
Chợt nghĩ, “khởi đầu mới” đó gắn với một “chủ nghĩa đa phương đổi mới” được Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ khi tham dự phiên họp “Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới” (Paris, Pháp ngày 7/10) là hướng đến tương lai hòa bình, thịnh vượng và bền vững với mọi quốc gia và người dân. Đó còn là chủ nghĩa đa phương gắn liền với các tiến trình chuyển đổi lớn, nhất là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; bảo đảm được tính bao trùm, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Như vậy, vai trò của chủ nghĩa đa phương là không thể đảo ngược và như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh “chính trong khó khăn, chủ nghĩa đa phương lại thể hiện rõ vai trò không thể thay thế”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vai-tro-cua-chu-nghia-da-phuong-tu-nhien-nhu-hoi-tho-294542.html