Vai trò của hoa tiêu trong vụ tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez
Khi tàu Ever Given không còn mắc kẹt ở kênh đào Suez, sự chú ý đang hướng về cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc đã dẫn tới hàng tỷ USD thiệt hại trên toàn cầu này.
Dù bão cát và gió mạnh được coi là yếu tố quan trọng khiến con tàu mắc cạn, trung tướng Osama Rabie, quan chức cơ quan quản lý kênh đào Suez, nói với các phóng viên rằng cuộc điều tra sẽ không chỉ tập trung vào thời tiết. Lỗi kỹ thuật và lỗi của con người cũng không thể loại trừ, theo Washington Post.
Các điều tra viên sẽ tìm hiểu về vai trò của hai hoa tiêu người Ai Cập đã lên tàu Ever Given để hướng dẫn con tàu này đi qua kênh. Một số câu hỏi cần giải đáp bao gồm việc trao đổi giữa hoa tiêu và đội ngũ lái tàu có vấn đề gì không, các hoa tiêu và thuyền trưởng có đủ kinh nghiệm không, và họ thực sự gặp những khó khăn nào khi đi qua kênh Suez.
Sau khi con tàu Ever Given được giải thoát khỏi bãi cạn và di chuyển đi, chính quyền Ai Cập thông báo cho các hãng tàu rằng kênh Suez sẽ mở lại ở cả hai chiều vào 19h (giờ địa phương, 17h GMT) tối 29/3, hai nhà vận chuyển nói với Reuters.
Các hoa tiêu “có đủ kinh nghiệm”
"Con tàu không hư hỏng gì. Chúng tôi đã kiểm tra bên dưới và tại nền đất của kênh đào Suez và ơn trời, mọi thứ ổn cả. Con tàu sẽ di chuyển qua kênh trong hôm nay", Reuters dẫn lời ông Rabie nói với Nile TV.
Tàu Ever Given mắc cạn sau trận gió lốc mạnh tuần trước, chắn ngang con kênh và làm gián đoạn tuyến đường vận chuyển hàng hóa ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu.
Một hoa tiêu có nhiều năm kinh nghiệm, làm việc cho cơ quan quản lý kênh Suez, nói hai hoa tiêu đã lên tàu Ever Given đều là các hoa tiêu có hơn 30 năm kinh nghiệm. “Họ có kinh nghiệm và trình độ để hướng dẫn con tàu”, người này nói với Washington Post.
Người hoa tiêu này cho biết việc hướng dẫn cho tàu đi qua kênh Suez đã trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây, vì tàu ngày càng lớn và chở nhiều hàng hóa hơn so với thập niên 1990. Ông kể rằng thời đó một tàu chở dầu bị kẹt và chắn kênh Suez, nhưng chỉ cần một tàu kéo là đã có thể kéo tàu chở dầu đi và mở lại con kênh.
Ông cho rằng gió mạnh có thể đẩy tàu Ever Given về phía bờ. “Đây là điều thường xảy ra với những con tàu lớn kiểu này”, người hoa tiêu nói thêm. “Các con tàu có thể mắc cạn khi sức gió vượt 30-40 hải lý/giờ”.
Tàu Ever Given trước đây đã có những lần được các hoa tiêu hướng dẫn khi đi qua kênh Suez. “Con tàu đã đi qua kênh Suez các lần trước nhưng chưa bao giờ trong điều kiện thời tiết như lần này”, ông nói.
Các hoa tiêu có vai trò chỉ dẫn, dựa vào kinh nghiệm và kiến thức thực tế về con kênh. Nhưng theo luật, thuyền trưởng luôn phải có mặt trên khoang lái để ra lệnh điều khiển tay lái, các động cơ và tàu kéo, sau khi cân nhắc chỉ dẫn của hoa tiêu. Sau cùng, “trách nhiệm hoàn toàn thuộc về” người thuyền trưởng, theo luật.
“Các hoa tiêu có thể chỉ dẫn và nêu quan điểm, nhưng thuyền trưởng có quyền bỏ qua”, người hoa tiêu lâu năm nói.
Đội ngũ chuyên giúp tàu vượt kênh Suez
Đối với nhiều người đi biển, vai trò chính xác của các hoa tiêu nhiều khi vẫn là bí ẩn.
Rose George, tác giả cuốn sách Deep Sea and Foreign Going nói về hành trình 5 tuần trên một tàu container từ Anh đi Singapore năm 2010, cho biết bà không hiểu rõ vai trò của nhóm hoa tiêu địa phương là gì.
“Có một nhóm người từ vùng Suez lên tàu của chúng tôi, và đây vốn là điều bắt buộc”, bà trả lời chương trình Newshour của đài radio BBC. “Bạn trả cả một gia tài để được đi qua kênh Suez, khoảng 100.000-300.000 USD, nhưng vẫn phải có hoa tiêu”.
“Cơ quan quản lý kênh yêu cầu bạn phải thuê đội ngũ như vậy”, bà George nói. “Bạn phải thuê một kỹ sư điện chuyên để vận hành cái được gọi là ‘máy chiếu kênh Suez’, là một đèn pha khổng lồ đặt ở phần trước của tàu, đề phòng có chuyện gì xảy ra. Một số người khác có kỹ năng dùng dây khá đặc biệt”.
Người thuyền trưởng trên con tàu container cỡ vừa mà bà George đi theo đã đi biển 42 năm, và đi qua kênh Suez nhiều lần tới mức ông không nhớ là bao nhiêu lần. Ông nói “chưa bao giờ thấy nhóm hỗ trợ làm gì khác ngoài viêc ngồi trong buồng đặc biệt dành cho họ” - theo lời kể của bà George.
Gregory Tylawsky, thuyền trưởng, người sáng lập công ty tư vấn hàng hải Maritime Expert Group ở California, nói còn quá sớm để đưa ra kết luận, và cho rằng “chưa có bằng chứng nào để quy trách nhiệm về bất cứ cá nhân nào”.
Ngay cả nếu có lỗi của hoa tiêu góp phần vào nguyên nhân vụ việc, luật Ai Cập quy định rõ rằng hoa tiêu không phải chịu trách nhiệm cho các hư hại trong thời gian họ chỉ dẫn tàu.
Mark Phillip Laurilla, một người chuyên blog về tàu container, cho biết đó là quy tắc chung trên toàn thế giới.
“Dù sự việc có thế nào, mọi trách nhiệm sẽ thuộc về con tàu, điều này có nghĩa những người chủ tàu cùng các công ty bảo hiểm sẽ còn phải bồi thường nhiều”, người này nói.