Vai trò của hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trong phát triển kinh tế nông thôn

Xuất phát điểm từ nghề đan đát truyền thống, các hợp tác xã (HTX) thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hoạt động hiệu quả, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn lao động nhàn rỗi, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân địa phương… Qua đó, phát huy vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông thôn.

Tháng 7/2024, bộ dụng cụ bắt cá truyền thống của HTX Mây tre đan Thủy Tuyết ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thành quả này tiếp tục giúp cho HTX khẳng định tên tuổi, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Theo chị Trương Thị Bạch Thủy - Giám đốc HTX Mây tre đan Thủy Tuyết, nghề đan đát đã có từ lâu đời ở địa phương. Tuy nhiên các hộ dân chỉ làm ăn nhỏ lẻ, sản phẩm đơn thuần. Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, tháng 6/2023, HTX Mây tre đan Thủy Tuyết được thành lập với 32 thành viên. Hơn 2 năm kể từ khi đi vào hoạt động, HTX hiện có hơn 700 mặt hàng từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng truyền thống như: rổ, rá, giỏ, nơm, lồng bàn, bàn ghế… đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dùng để trang trí, làm quà tặng. Với mức thu nhập trung bình từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, nghề đan đát đã mang lại cuộc sống ổn định cho hơn 130 hộ dân.

Khách tham quan các sản phẩm đan đát tại HTX Mây tre đan Thủy Tuyết. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Khách tham quan các sản phẩm đan đát tại HTX Mây tre đan Thủy Tuyết. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Đồng chí Dương Thị Trang - Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân cho biết:

Vừa qua, HTX Mây tre đan Thủy Tuyết đã phối hợp với UBND xã mở các lớp dạy nghề, đào tạo được hàng chục học viên là thanh niên trong tuổi lao động. Sau khi học nghề, các em có việc làm ổn định. Trong thời gian tới, HTX dự kiến thực hiện dự án khôi phục làng nghề, phát triển du lịch cộng đồng. Dự án triển khai hiệu quả sẽ cải thiện đáng kể đời sống, kinh tế cho bà con địa phương.

Ở ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú cũng được biết đến là đơn vị điển hình với hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. HTX thành lập vào năm 2020, chuyên gia công các sản phẩm bàn ghế từ nhựa giả mây, lục bình, tre, nứa, gỗ… với quy mô sản xuất hơn 100.000 sản phẩm/năm. Các mặt hàng gia công của HTX không chỉ có mặt ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Mỹ, châu Âu. Với đầu ra sản phẩm ổn định, HTX thu hút và tạo được việc làm thường xuyên, ổn định cho hơn 1.200 lao động ở địa phương và các vùng lân cận. Không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động nhàn rỗi, HTX còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Xuyên và các huyện, thị xã, thành phố đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động tại các địa phương.

Hợp tác xã MCF là điểm sáng về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Hợp tác xã MCF là điểm sáng về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Trong 5 năm trở lại đây, nghề đan đát ở thị xã Ngã Năm phát triển mạnh. Hiện ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Bình có HTX Hương Liên chuyên gia công các sản phẩm từ lục bình. HTX có hơn 300 lao động có tay nghề, chuyên gia công các tấm xếp xoắn, nón, rổ, khay, giỏ, hộp từ nguyên liệu lục bình với thu nhập từ 800.000 - 900.000 đồng/tuần. Do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng, nhiều đơn hàng mới, HTX phải thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề hoặc đến các xã lân cận đào tạo tại chỗ cho bà con có nhu cầu học nghề rồi thuê họ gia công các sản phẩm. Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, HTX Hương Liên không chỉ mang lại doanh thu và lợi nhuận phấn khởi cho thành viên, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con mà còn góp phần gìn giữ, phát huy tốt nghề truyền thống của địa phương.

Cũng “ăn nên làm ra” với nghề đan đát, HTX MCF ở ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm sử dụng nguyên liệu cỏ năn tượng để gia công đa dạng các sản phẩm rổ, giỏ xách, hộp, bàn ghế, chậu hoa, đồ dùng gia đình... Hơn 4 năm kể từ khi thành lập, HTX MCF tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động. Bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán khoảng 8.000 - 10.000 sản phẩm.

Anh Nguyễn Quang Toàn - Giám đốc HTX MCF chia sẻ: “Không chỉ thu gom các sản phẩm gia công, HTX còn mở rộng đào tạo nghề đến các địa phương lân cận, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi đến học nghề và nhận nguyên liệu về gia công kiếm thêm thu nhập. Với nghề đan đát, ai chịu khó học hỏi sẽ nhanh nắm vững các kỹ thuật đan. Có nhiều cô, chú lớn tuổi sau khi được truyền nghề, tranh thủ thời gian rảnh nhận sản phẩm về làm, trung bình thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, giúp trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Do nguồn thu ổn định, hằng năm HTX thường xuyên hỗ trợ tặng quà cho các trẻ mồ côi, người mất khả năng lao động, những hoàn cảnh khó khăn”.

Theo Liên minh HTX Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Một số HTX sản xuất hàng thủ công, gia công sản phẩm hình thành trên cơ sở nghề truyền thống không chỉ kế thừa, phát huy được giá trị nghề mà còn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư máy móc vào sản xuất để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, tạo dựng được thương hiệu.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các HTX tiểu thủ công nghiệp, Chủ tịch Liên minh HTX Sóc Trăng Phạm Chí Nguyện cho biết:

Các HTX tiểu thủ công nghiệp được xem là điểm sáng trong công tác đào tạo nghề. Bằng cách đa dạng hóa các hình thức sản xuất và dịch vụ, phát huy nguồn nguyên liệu tại chỗ, phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương, các HTX tiểu thủ công nghiệp đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó góp công, góp sức cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/cong-nghiep/202501/vai-tro-cua-hop-tac-xa-tieu-thu-cong-nghiep-trong-phat-trien-kinh-te-nong-thon-b155148/