Vai trò của Trung Quốc trong tiến trình hòa bình ở Ukraine
Trong bối cảnh tình hình ở Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc xung đột cũng đang được xúc tiến. Mới đây nhất là hội nghị hòa bình do A rập Xê Út đăng cai tổ chức, với sự tham dự của nhiều quốc gia. Đáng chú ý là việc Trung Quốc lần đầu tiên tham dự cuộc đàm phán đa phương liên quan tới cuộc xung đột Ukraine.
LẦN ĐẦU THAM DỰ…
Ông Li Hui, đặc phái viên phụ trách các vấn đề Á – Âu của Trung Quốc đã tham gia các cuộc đàm phán quốc tế tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine vừa diễn ra tại Jeddah, Ả Rập Xê Út. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm điều này, trong đó vẫn nhấn mạnh việc thúc đẩy đàm phán giữa các bên.
Trung Quốc vốn duy trì quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Nga và cho đến nay vẫn không lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Vì vậy giới phân tích đánh giá việc Trung Quốc dự hội nghị là tín hiệu tích cực, sau khi Bắc Kinh không tham gia vòng đối thoại đầu tiên hồi tháng 6 tại Copenhagen, Đan Mạch.
LIỆU CÓ PHẢI TÍN HIỆU TÍCH CỰC?
Một nguồn tin của Liên minh châu Âu (EU) cho biết Trung Quốc đã tham gia nhiệt tình và có thái độ tích cực đối với ý tưởng tổ chức cuộc họp tiếp theo ở cấp độ này. Đại diện phía Trung Quốc được cho là đã trình bày lập trường 12 điểm của Bắc Kinh đối với giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Giải pháp này từng được Bắc Kinh công bố hồi tháng 2.
Một số ý kiến cho rằng sự có mặt của đặc phái viên Li Hui là tín hiệu cho thấy sự biến chuyển tiềm năng trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với khủng hoảng Ukraine, như Mỹ đã hoan nghênh. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến không mấy lạc quan. Việc Bắc Kinh lựa chọn tham dự cuộc họp ở Jeddah chứ không phải ở Copenhagen (vốn do Mỹ chủ trì và yêu cầu Nga chịu trách nhiệm cho xung đột), thể hiện lập trường nhất quán của Trung Quốc. Chưa kể, Trung Quốc có thể tham dự hội nghị Jeddah một phần do quan hệ thân thiết với chủ nhà Ả Rập Xê Út.
Ngay sau hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong đó ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vững lập trường trung lập và công bằng, khuyến khích các bên liên quan bắt đầu đàm phán hòa bình. Vì vậy theo các chuyên gia, Trung Quốc tham gia hội nghị về hòa bình Ukraine lần này có thể được coi là dấu hiệu tích cực, nhưng khó có thể đạt được bất cứ thỏa thuận nào về mặt nguyên tắc chừng nào Nga không có mặt tại bàn đàm phán.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!
Thảo Nguyễn