Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại'
Sáng 23. 4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề '50 năm Thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại'. Chủ tịch nước Lương Cường đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Các đại biểu tham gia Hội thảo quốc tế với chủ đề “50 năm Thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”
Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao, lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình tham dự hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết hội thảo hôm nay là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và trong chuỗi hoạt động kỷ niệm những cột mốc quan trọng của Việt Nam trong năm 2025.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cách đây tròn 50 năm, thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “độc lập - thống nhất - hòa bình và phát triển” cho dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân ưa chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Trong hành trình ấy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định ngoại giao đã đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đầu tiên là, ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận “vừa đánh vừa đàm”, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
Hai là, ngoại giao đã tranh thủ sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, huy động được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Ba là, với tinh thần hòa hiếu và nhân văn sâu sắc, dù trong chiến tranh, ngoại giao Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình hòa giải, hàn gắn với các quốc gia từng tham chiến tại Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, không đơn thuần là một Hội thảo khoa học thông thường. Hội thảo có ba điều đặc biệt:Thứ nhất, chúng ta vinh dự có sự tham dự của Chủ tịch nước Lương Cường và nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thể hiện sự đánh giá cao với vai trò của ngoại giao trong thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Thứ hai, Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà ngoại giao lão thành, các chứng nhân lịch sử đã có mặt trong các hoạt động ngoại giao thời kỳ này. Hội thảo cũng đã quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước.
Thứ ba, Hội thảo diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là một đóng góp thiết thực cho dịp kỷ niệm này.
“Với ý nghĩa như vậy trên mặt trận ngoại giao, nhân dịp này chúng tôi xin bày tỏ sự tri ân sâu sắc những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ ngoại giao đi trước. Đồng thời, xin cảm ơn đặc biệt là những bạn bè quốc tế đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, đóng góp vào công cuộc tái thiết, xây dựng lại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị
Ngày nay, trước những biến chuyển to lớn của thời đại, ngoại giao Việt Nam đang có những đổi mới căn bản bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thế và lực mới của đất nước cho phép Việt Nam có cách tiếp cận mới như được thể hiện trong Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Từ một vị thế của một quốc gia tiếp nhận sang quốc gia đóng góp, từ một quốc gia đi sau sang một quốc gia vươn lên, có khả năng và điều kiện tham gia sâu hơn, trách nhiệm hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới.
Từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh và kiến tạo hòa bình trên thế giới.
Trên tinh thần đó, chúng tôi kỳ vọng rằng Hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn trao đổi và đối thoại cởi mở, nơi các nhà nghiên cứu, học giả, nhà ngoại giao, các nhân chứng lịch sử và bạn bè quốc tế cùng nhau thảo luận về vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao, trong đó nổi lên các nội dung quan trọng:
Một là, đây là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp to lớn của ngoại giao đối với sự nghiệp thống nhất đất nước của Việt Nam và từ đó rút ra những bài học lịch sử về vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao. Sự có mặt của các nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu hôm nay là dịp để làm rõ và tìm hiểu sâu hơn vai trò của ngoại giao trong giai đoạn lịch sử này và để lưu giữ lại cho các thế hệ sau.
Hai là, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động sâu sắc, chiến tranh, xung đột vẫn diễn ra ở nhiều nơi, hội thảo còn mang ý nghĩa quan trọng của việc nghiên cứu và áp dụng những bài học lịch sử đó cho việc kiến tạo hòa bình hiện nay. Nhiều bài học rút ra từ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam vẫn còn giá trị và có thể được nhân rộng như bài học về ngoại giao hòa hiếu, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, gác lại quá khứ hướng tới tương lai, hàn gắn vết thương chiến tranh…
Ba là, tôi mong rằng Hội thảo còn có những đóng góp lớn hơn, xa hơn nữa là gợi mở những sáng kiến, đề xuất để Việt Nam có thể tham gia, đóng góp như thế nào cho việc giải quyết hòa bình các xung đột. Với thế và lực mới, Việt Nam có thể phát huy vai trò tích cực, chủ động hơn trong các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu, từ việc trung gian hòa giải cho đến tái thiết xây dựng giai đoạn hậu xung đột.