Vai trò ngày càng lớn của phụ nữ Đông Nam Á trong kinh doanh

Trong những năm trở lại đây, vai trò của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, ngày càng được cải thiện cùng với những tiến bộ trong công cuộc bình đẳng giới tại Đông Nam Á.

Theo báo cáo năm 2022 của Liên đoàn Người sử dụng lao động ASEAN (ACE) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phụ nữ đang đóng vai trò ngày càng tích cực trong các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á.

Phụ nữ ở khu vực này hiện làm chủ khoảng 30% doanh nghiệp trong các lĩnh vực chính thức. Trong khi đó, nếu xét về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LFPR), phụ nữ trong khu vực Đông Nam Á vượt qua hầu hết các khu vực khác trên thế giới.

Cụ thể, dữ liệu của ILO tính đến năm 2022 cho thấy LFPR của phụ nữ trong độ tuổi 25-54 ở Đông Nam Á là 72%, vượt trội hơn hẳn so với mức trung bình toàn cầu là 51,6%. Đặc biệt, con số này không kém quá nhiều so với những khu vực phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu (77,5%).

Tỷ lệ nữ giới tham gia vào các cấp quản lý hay sở hữu doanh nghiệp cũng ghi nhận tiến bộ nhưng đi cùng với sự khác biệt giữa từng quốc gia trong khu vực. Dữ liệu năm 2022 từ báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp có quản lý cấp cao là nữ tại các quốc gia như Việt Nam (22,4%), Indonesia (22,1%) và Philippines (29,9%) thấp hơn so với Campuchia (57,3) %) và Thái Lan (64,8%).

Tuy nhiên nếu xét về tỷ lệ phụ nữ tham gia sở hữu doanh nghiệp, một số nước như Campuchia (46,2%), Việt Nam (51,1%) và Thái Lan (64,4%) ghi nhận con số cao hơn các quốc gia khác như Lào (36,5%) và Indonesia (22,1%).

Chỉ số Chính sách Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ASEAN năm 2018 do OECD, Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và Ban thư ký ASEAN đồng công bố cũng dành ra những lời khen cho một số quốc gia ASEAN trong việc ban hành chính sách và chiến lược tạo điều kiện cho phụ nữ làm kinh doanh.

Ví dụ, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới 2011-2020 nhằm khuyến khích phụ nữ thành lập doanh nghiệp mới trong khi Lào cũng thúc đẩy Chiến lược Quốc gia về Tăng cường các Doanh nghiệp SME của Phụ nữ. Các chiến lược mạnh mẽ này đi kèm với các mục tiêu trong các lĩnh vực quan trọng như tiếp cận tài chính, tiếp cận thị trường và hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Không chỉ về mặt kinh tế, các quốc gia ASEAN cũng ghi nhận những tiến bộ nhất định trong việc đạt được bình đẳng giới trong lĩnh vực pháp lý hay chính trị. Cụ thể, báo cáo về Phụ nữ, Doanh nghiệp và Pháp luật năm 2022 của World Bank chỉ ra rằng một số quốc gia như Campuchia, Việt Nam và Lào đạt điểm tuyệt đối về bình đẳng giới trong pháp lý, bao gồm cả về thừa kế và tài sản.

Trong khi đó, báo cáo Triển vọng Giới tính ASEAN năm 2021 của UN Women và ASEAN công bố cũng chỉ ra rằng một số quốc gia trong khối bao gồm Philippines, Lào và Việt Nam đạt kết quả tốt hơn mức trung bình toàn cầu xét về sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực chính trị. Những quốc gia này cũng được đánh giá là nơi sở hữu các điều kiện xã hội cơ bản nói chung cho phép phụ nữ hình thành sự hiện diện cao.

Thông qua các tiến bộ trên, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang ghi nhận những gương mặt phụ nữ nổi bật trong vai trò ban lãnh đạo các doanh nghiệp, từ đó không chỉ đóng góp vào sự phát triển của bản thân công ty mà còn của quốc gia.

Bà Kwee Wei Lin, Giám đốc mảng khách sạn của Tập đoàn Pontiac Land và Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Singapore. Ảnh: WEF

Bà Kwee Wei Lin, Giám đốc mảng khách sạn của Tập đoàn Pontiac Land và Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Singapore. Ảnh: WEF

Những gương mặt nổi bật có thể kể đến bà Febriany Eddy – nữ doanh nhân 46 tuổi người Indonesia. Theo Forbes, bà là một trong số ít phụ nữ trên toàn thế giới điều hành một doanh nghiệp khai thác lớn. Năm 2021, bà chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành nữ đầu tiên của công ty khai thác nickel Vale Indonesia, công ty thuộc sở hữu phần lớn bởi nhà sản xuất khoảng sản lớn nhất thế giới Vale có trụ sở tại Brazil.

Một ví dụ khác có thể kể tới là bà Herjati, Chủ tịch của Sillo Maritime Perdana – công ty sở hữu lượng tàu xa bờ lớn nhất trong ngành dầu khí Indonesia. Năm 2002, bà gia nhập Sillo Maritime với tư cách là Giám đốc tài chính. Sau đó, bà đóng vai trò quan trọng trong việc giúp công ty niêm yết thành công và kêu gọi được 4,5 triệu USD trên Sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia vào năm 2016 trước khi đảm nhận vị trí Chủ tịch một năm sau đó. Bà người phụ nữ duy nhất trong hội đồng quản trị 5 năm người của Sillo Maritime.

Tại Thái Lan, bà Wallaya Chirathivat là một nữ doanh nhân nổi bật với vai trò Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Central Pattana. Theo Forbes, bà là nữ CEO đầu tiên của Central Pattana - nhà phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất đất nước trực thuộc Central Group của gia đình mình. Học vấn của bà bao gồm bằng cử nhân kinh tế của Đại học California, Los Angeles (UCLA) và bằng MBA của Đại học Hartford.

Tại Singapore, bà Kwee Wei Lin, Giám đốc mảng khách sạn của Tập đoàn Pontiac Land cũng như Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Singapore, là nữ doanh nhân tiêu biểu. Là người đứng đầu bộ phận kinh doanh khách sạn của Tập đoàn Pontiac Land thuộc sở hữu gia đình kể từ năm 2017, bà Kwee quản lý tổng cộng 6 khách sạn, trong đó bao gồm 4 khách sạn ở quê nhà và 2 khách sạn tại Maldives với 3.000 nhân viên. Dưới tư cách chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Singapore, bà đại diện cho 160 thành viên, chiếm khoảng 80% số khách sạn tại quốc gia này.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vai-tro-ngay-cang-lon-cua-phu-nu-dong-nam-a-trong-kinh-doanh-post27988.html