Vai trò tổ chức Công đoàn trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) 'về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở', các cấp công đoàn trong tỉnh đã phát huy vai trò tham gia triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nguyện vọng chính đáng của công chức, viên chức, người lao động.

Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ Mộc Châu.

Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ Mộc Châu.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng, ban hành các kế hoạch, hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập và trong doanh nghiệp. Các cấp công đoàn chủ động đề xuất tổ chức thương lượng, ký kết mới, sửa đổi bổ sung Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điểm có lợi cho người lao động, như: Đảm bảo về việc làm, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động; các chế độ phúc lợi; hỗ trợ đi lại, nhà trọ, ăn ca...

Công đoàn các cấp đã tham gia tư vấn pháp luật cho trên 1.000 lượt CNVCLĐ; tổ chức, phối hợp tổ chức gần 2.000 cuộc tập huấn, hội nghị, hội thảo về các chế độ, chính sách có liên quan cho trên 50.000 lượt CNVCLĐ. Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đánh của đoàn viên và người lao động; tham gia xây dựng và thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. CĐCS đã kịp thời phối hợp với người sử dụng lao động giải quyết trên 500 vụ việc mâu thuẫn, phát sinh trong quan hệ lao động ngay tại cơ sở.

Theo ông Nguyễn Xuân Vương, Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ Mộc Châu, Công ty hiện có hơn 200 công nhân, người lao động. Năm 2021, Công ty thay đổi mô hình quản lý, do vậy, CĐCS đã phối hợp với Ban giám đốc đối thoại với công nhân, lao động để thực hiện sắp xếp lao động phù hợp, tạo được sự đồng thuận trong đơn vị; tiếp nhận 42 lao động nhận khoán trồng chè về làm công nhân tại nhà máy đáp ứng nguyện vọng của người lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì 26 cuộc giám sát tại 26 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; tham gia phối hợp giám sát 6 cuộc do Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chủ trì tổ chức. Công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS đã chủ trì và tham gia trên 3.000 cuộc giám sát. Nội dung giám sát việc thực hiện Hội nghị người lao động, Hội nghị đối thoại trong các doanh nghiệp; các chế độ chính sách liên quan đến người lao động... Liên đoàn Lao động tỉnh cử cán bộ tham gia thanh tra, kiểm tra liên ngành 40 cuộc về an toàn vệ sinh lao động; phối hợp tham gia điều tra, kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động sau tai nạn lao động.

Công đoàn khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và ban hành quyết định việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế hoạt động của cơ quan, Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản, làm việc, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý, khen thưởng. Hoạt động công đoàn khối doanh nghiệp đã phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp công khai các nội dung phải công khai và xin ý kiến người lao động; người lao động được tham gia ý kiến, quyết định, kiểm tra, giám sát những nội dung theo quy định. Hằng năm, kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng, những vướng mắc của người lao động; quan hệ lao động tại các doanh nghiệp ổn định, hài hòa và phát triển.

Ông Ngọc Mạnh Hùng, Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, cho biết: Hằng năm, Công đoàn phối hợp với Ban Giám đốc tổ chức Hội nghị đại biểu người lao động; duy trì đối thoại với công nhân, người lao động để kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động; thực hiện đầy đủ và đúng kỳ hạn mọi chế độ liên quan đến người lao động, như: Đảm thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/tháng và tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...

Qua 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị, với sự tham gia tích cực của tổ chức Công đoàn, dân chủ trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng phát huy; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp; vai trò làm chủ của CNVCLĐ được nâng cao rõ rệt, tạo động lực tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Phạm Đức

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/vai-tro-to-chuc-cong-doan-trong-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-42385