Vài ý kiến khác về văn học Thụy Điển [Kỳ 2]
Thụy Điển là một nước ở xa tít Bắc Âu, dường như cô đơn trong giá lạnh, đất rộng người thưa. Trước đây, văn học Thụy Điển hầu như chỉ đi theo các khuynh hướng văn học châu Âu đơn lẻ mà đóng góp vào tiếng nói chung. Tuy vậy, từ những thập niên cuối thế kỷ XIX cho đến nay, đất nước chỉ hơn 9 triệu dân ấy bỗng nổi bật lên trong văn học thế giới hiện đại.
Tôi còn nhớ, thời Pháp thuộc, cách đây hơn nửa thế kỷ, khi học trường Bưởi, ở Cao đẳng tiểu học, trong chương trình đọc thêm về văn học nước ngoài gồm chục tác giả, đã có tên một nhà văn Thụy Điển: bà Selma Lagerlöf (tôi không nhớ tác phẩm nào), có lẽ bà là nhà văn nữ đầu tiên trên thế giới được giải thưởng văn học Nobel (năm 1909).
Nhiều tác giả Thụy Điển được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.
Ngày nay, đứng đầu danh sách tác giả Thụy Điển có nhiều tác phẩm được dịch ra nước ngoài, là nhà văn nữ Astrid Lindgren. Tính đến những năm 1990, riêng dịch sang các tiếng Đức, Pháp, Anh, Ba Lan và Nga, sách thiếu nhi của bà đã được xuất bản 295 lần.
Xếp thứ hai là nhà viết kịch Strindberg (1849-1912).
Thứ ba là bà Selma Lagerlöf (1858-1940) với cuốn Những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils, được trẻ em khắp thế giới rất mê. Kể cả người lớn, như nhà văn Nhật Kenzaburo Oe (giải thưởng văn học Nobel 1994) cũng rất thích thú.
Sau đó, những nhà văn được dịch nhiều nhất có: Maj Sgowall và Per Wahloo, đều viết tiểu thuyết trinh thám, Ingmar Ingmar Bergman, Pav Labereknist (1891-1974, giải thưởng văn học Nobel 1951).
Cũng phải kể đến một số nhà văn đang hoạt động thành công ở nước ngoài như các nhà viết kịch Lars Noren và Perolov Enqvist, nhà văn Lars Gustafsson. nhà thơ Thomas Transtromer.
Ngoài văn hiện đại, không nên quên Bellman, nhà thơ hát rong thế kỷ XVIII, được coi là nhà thơ dân tộc điển hình cho Thụy Điển. Cũng như Lý Bạch, Tản Đà, ở ông thơ và rượu luôn gắn bó với nhau. Ngày nay, 200 năm sau khi ông mất, ông nổi danh trên thế giới, nhiều bài ca - thơ của ông mới xuất hiện qua tiếng Pháp, Nga, Hungary, Đức, Czech... Giá ông sáng tác bằng một ngôn ngữ phổ biến hơn tiếng Thụy Điển, thì những ca - thơ của ông hẳn đã nổi tiếng từ lâu.
Văn học Thụy Điển ngày nay có uy tín lớn ở châu Âu, Bắc Mỹ và ở khắp mọi nước. Từ năm 1945, Thụy Điển đã từ thế giới nông dân chuyển sang xã hội hậu công nghiệp, từ sự ẩn mình trung lập hóa chuyển sang thành một nước tượng trưng cho một quốc gia thiên hữu có khuynh hướng dân chủ-xã hội chủ nghĩa, quan niệm bình quân, lập trường vì thế giới thứ ba, có vai trò trung gian quốc tế.
Giữa hai thế chiến, sự kiện quan trọng nhất là sự xuất hiện một nền văn học tác giả vô sản hoặc tự học, mang lại một sinh lực mới cho sáng tác phương Tây (Eyvind Johson, Harry Martinson, V. Moderg...)
Rất nhiều tác giả nổi dậy chống xã hội, thế chế, phận người: Gunnar Ekeluf, A. Lundkvist, Stig Dagerman.
Ba thập niên sau Thế chiến II, biểu hiện sự thanh toán những chấn động do Chiến tranh lạnh gây ra và sự gạt bỏ những lý tưởng nhân văn do truyền thống đạo tin lành Luther. Các nhà văn năm 1963 lựa chọn giữa sự “dấn thân” hiện đại và sự trung thành với truyền thống truyện tự nhiên chủ nghĩa, là lãnh địa ưu ái của văn xuôi Thụy Điển, với quyết tâm canh tân chủ đề, nhân vật, văn phong.
Từ vài thập kỷ nay, truyền thống văn học mạnh mẽ trở lại: say mê kể chuyện, đặc thù của Bắc Âu từ thời sử thi Saga (thế kỷ XII) như S. Delbland, Kerstin Ekman, G. Tunström, Torgny Lindgren, Birgitta Trotzig.
Tomas Trantrömer (1931-2015) là nhà thơ lớn nhất đương thời, được dịch sang 43 ngữ, bậc thầy về ẩn dụ. Ông thể hiện những thể nghiệm cảm xúc về thần bí qua lời thơ khúc triết, trong sáng, thiện cảm. Ông thông thạo thế giới động vật và biển cả, theo gót nhà khoa học tự nhiên, pha trộn khoa học tự nhiên và ký ức.
Văn học Thụy Điển thế kỷ XX phát triển hòa nhập với nền dân chủ Nhà nước thịnh vượng Thụy Điển. Xu hướng này phát triển từ thế kỷ XIX với nhiều tác giả có thiện cảm cấp tiến, khuynh tả, đạt đến trình độ cao vào thế kỷ XX. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, do những thay đổi lớn ở trong nước và quốc tế khiến cho văn học bắt đầu phê phán những tiêu cực của xã hội công nghiệp phương Tây (ô nhiễm, căng thẳng) và ở bên ngoài (thế giới thứ ba, nghèo đói, chủ nghĩa thực dân). Châu Phi rồi vấn đề Việt Nam đặc biệt nổi lên. Xin kể: Per Vastberg, Sara Lidman, Jan Myrdal, S. Lindqvist, Per Olut Sundman, K. Ekman.
Vào giữa những năm 70 của thế kỷ XX, tinh thần sôi nổi dấn thân chính trị đã được thay thế bằng một không khí thuần văn chương hơn, những luận điểm cấp tiến êm dịu hơn, bảo thủ hơn.
Lars Noren là một nhà thơ lớn những năm gần đây. Ông có khả năng xuyên qua hàng rào cảm giác để gây hiệu quả choáng váng lớn, vẻ đẹp trừu tượng và trong sáng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vai-y-kien-khac-ve-van-hoc-thuy-dien-ky-2-215992.html