Văn Cao trong âm nhạc, thi ca và hội họa

Không chỉ là một trong những đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, mà ca khúc 'Tiến quân ca' sau này trở thành Quốc ca, nhạc sĩ Văn Cao còn để lại một di sản đồ sộ, ngoài âm nhạc, còn có cả thi ca và hội họa.

Nghệ sĩ đa diện, đa thanh và đa tài

“Nhiều người gọi Văn Cao là nhạc sĩ, nhưng ông còn là họa sĩ, nhà thơ. Trong thế kỷ XX, nếu nói đến một thiên tài về văn học nghệ thuật của Việt Nam, người ta sẽ nghĩ đến Văn Cao. Ông là nghệ sĩ đặc biệt, là con người đa diện, đa thanh và đa tài, không chỉ là một nghệ sĩ tham gia cách mạng, ông còn có những hoạt động đặc biệt, mà kể lại sẽ là những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn” - PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ tại cuộc trò chuyện về tài năng của Văn Cao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật chiều 6.11 tại Hà Nội.

Cũng bởi vậy, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15.11.1923-15.11.2023); Báo Nhân dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Thế giới Nhạc, Thơ, Họa của Văn Cao” ngày 8.11 tới. Theo PGS.TS. Nguyễn Thế kỷ, tọa đàm được tổ chức cho thấy Đảng và Nhà nước ta ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các văn nghệ sĩ có tên tuổi, đặc biệt với nhạc sĩ Văn Cao.

Văn Cao là chiến sĩ cách mạng nhưng cũng là nghệ sĩ đa tài. Nguồn: Báo Nhân dân

Văn Cao là chiến sĩ cách mạng nhưng cũng là nghệ sĩ đa tài. Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng với tọa đàm, một “không gian Văn Cao” cũng được tạo dựng. Nhà thơ Hữu Việt cho biết, triển lãm 100 tranh vẽ minh họa, 100 phiên bản bìa sách được Văn Cao vẽ tay hoàn toàn để phục vụ các nhà xuất bản trong một thời kỳ dài… sẽ được giới thiệu tới công chúng.

"Chiến sĩ tiên phong" trong thi ca, hội họa và âm nhạc

Văn Cao là chiến sĩ cách mạng nhưng cũng là nghệ sĩ đa tài. Ông từng khẳng định tài năng của mình trên cả ba lĩnh vực thi ca, hội họa và âm nhạc. Và hầu như ở lĩnh vực nào ông cũng là chiến sĩ tiên phong.

Trong lĩnh vực hội họa, với năng khiếu thiên bẩm, sau khi vào học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương (1943), Văn Cao đã đến với chất liệu sơn dầu và có những tác phẩm được giải thưởng và được dư luận chú ý. Từ sau năm 1956, ông đi vào hướng thẩm mĩ mới, làm bìa sách, vẽ tranh minh họa, kí họa chân dung… được với phong cách rất riêng và để lại ấn tượng với công chúng.

Mini talkshow về nhạc sĩ Văn Cao nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ (15.11.1923-15.11.2023) do Báo Nhân dân tổ chức chiều 6.11. Ảnh chụp màn hình

Mini talkshow về nhạc sĩ Văn Cao nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ (15.11.1923-15.11.2023) do Báo Nhân dân tổ chức chiều 6.11. Ảnh chụp màn hình

Âm nhạc - lĩnh vực mà Văn Cao được mọi người biết đến nhiều nhất, khi mới 17 tuổi ông đã viết ca khúc đầu tay “Buồn tàn thu” (1940), và sau này có nhiều bài hát nổi tiếng như “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”… các hành khúc “Thăng Long hành khúc ca”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, đến chính ca “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, anh hùng ca “Chiến sĩ Việt Nam”, “Trường ca sông Lô”… đã được bao thế hệ yêu thích, ngưỡng mộ. Nhiều chuyên gia đánh giá các bài hát của Văn Cao đã đi vào tâm thức dân tộc, trở thành niềm kiêu hãnh của tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam…

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, không chỉ tái hiện lịch sử, âm nhạc của Văn Cao có tính dự báo, vừa Cách mạng Tháng Tám xong, ông đã viết "Không quân Việt Nam hành khúc", “Hải quân Việt Nam hành khúc”… Văn Cao sáng tác Tiến về Hà Nội năm 1949 theo nhiệm vụ được giao, với những ca từ như một lời dự đoán về chiến thắng giải phóng Thủ đô...

Trong lĩnh vực thơ ca, ông cũng đã để lại nhiều tác phẩm. Thơ của Văn Cao luôn luôn có sự đổi mới, nhạy cảm với thời cuộc, nhân tình thế thái, luôn tạo cho thơ sức nặng của tầm cao tư tưởng. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: Văn Cao là thi sĩ, ông làm âm nhạc cũng bằng tâm hồn của thi sĩ. Từng được Văn Cao tin tưởng giao cho biên tập tập thơ của ông vào năm 1986, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhớ lại "vừa biên tập và vừa học ông, qua sự trao đổi, tôi thấy ông là người vô cùng uyên thâm".

Trong khi đó, được tiếp xúc với nhạc sĩ Văn Cao từ khi còn khá nhỏ và trong thời gian dài sau này, họa sĩ Thành Chương chia sẻ: “Biết đủ văn thơ nhạc họa, lĩnh vực nào cụ cũng xuất sắc. Sau này tôi là họa sĩ của báo Văn nghệ, và cụ là cộng tác viên thân thiết mảng hội họa. Những minh họa, đồ họa của cụ trí tuệ, uyên bác, luôn có tính hấp dẫn… Tôi cảm nhận và hiểu sâu sắc nhất gốc của sự học là tự học, và cụ là tấm gương lớn về điều đó”.

Là nghệ sĩ hội tụ nhiều cảm xúc, tính cách, Văn Cao luôn đi trước, tìm tòi, khám phá, sáng tác của ông luôn có những đột phá. Từng chặng trong cuộc đời nghệ thuật, ông luôn có sự đổi mới, và không bao giờ ông muốn cũ... Vì thế, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, thường có những điều mà người ta chưa hiểu hết về ông.

"Tọa đàm được tổ chức nhân 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, chúng ta có dịp nhìn lại. Có góc nhìn giống những gì ta đã biết, nhưng Ban tổ chức cũng đã nhận được khá nhiều bài viết hay về Văn Cao ở các góc khác. Điều đó cho thấy dường như thời gian càng lùi xa, sự nhìn nhận, đánh giá về ông rõ hơn, đầy đủ hơn, có chiều sâu hơn" - PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ nói.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/van-cao-trong-am-nhac-thi-ca-va-hoi-hoa-i349126/