Văn Chấn với những 'dòng họ số'

Với mục tiêu đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thời gian qua, huyện Văn Chấn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả; trong đó, 'Dòng họ số' là một trong những mô hình sáng tạo góp phần đưa công tác chuyển đổi số trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thành viên trong dòng họ Sa ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ, cập nhật thông tin.

Thành viên trong dòng họ Sa ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ, cập nhật thông tin.

Đồng chí Bùi Văn Đống - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Văn Chấn cho biết: "Năm 2023, UBND huyện Văn Chấn đã chỉ đạo thực hiện triển khai mô hình điểm "Dòng họ số” đối với 51 hộ thuộc dòng họ Giàng xã Suối Giàng và dòng họ Sa xã Cát Thịnh. Theo đó, huyện đã ban hành Quyết định số 1775 về việc tạm thời đánh giá, công nhận "Dòng họ số” trên địa bàn huyện Văn Chấn với 12 tiêu chí. Các tiêu chí tập trung hướng tới thúc đẩy các cá nhân, gia đình, dòng họ ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hàng ngày, nâng cao chất lượng công tác học tập, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, dòng họ”.

Được biết để triển khai có hiệu quả kế hoạch của UBND huyện, UBND xã Suối Giàng, xã Cát Thịnh đã nhanh chóng thành lập ban vận động ra mắt mô hình "Dòng họ số” với thành viên là các cá nhân có uy tín thuộc dòng họ tiêu biểu trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Ban vận động ra mắt mô hình "Dòng họ số” tích cực tuyên truyền, vận động về nội dung, ý nghĩa của mô hình.

Ông Sa Quang Phụng - Trưởng dòng họ Sa xã Cát Thịnh chia sẻ: "Khi triển khai mô hình, chúng tôi được Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn cập nhật thông tin gia phả, dòng họ như về tổ tiên, lịch sử và truyền thống lên hệ thống gia phả số online một cách khoa học, hiệu quả. Như vậy, bất kỳ thành viên nào cũng có thể tìm kiếm thông tin về dòng họ. Ngoài ra, chúng tôi cũng được hướng dẫn thành lập nhóm chung để trao đổi thông tin, liên lạc trên ứng dụng xã hội”.

Bên cạnh đó, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, mỗi cá nhân, gia đình trong "Dòng họ số” ở Văn Chấn đều không ngừng học hỏi nâng cao kỹ năng số cho bản thân, chủ động, tích cực thay đổi cách sống, làm việc, lao động, sản xuất, kinh doanh trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số hiện nay để nâng cao chất lượng cuộc sống, công việc. Đến nay, từ 2 "Dòng họ số” xây dựng điểm, huyện Văn Chấn đã có 4 "Dòng họ số”.

100% hộ trong các "Dòng họ số” có tối thiểu một trong các thiết bị thông minh điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng, ti vi để sử dụng, khai thác thông tin, học tập thường xuyên. 100% số hộ được tiếp cận, sử dụng dịch vụ Internet; 100% số hộ thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, nộp học phí, lĩnh lương hàng tháng, mua bán hàng hóa… qua ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng.

Các thành viên từ 14 tuổi trở lên trong dòng họ có điện thoại thông minh, sim chính chủ và căn cước công dân được xác thực định danh số qua ứng dụng VNeID mức độ 2 và có tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Đảng viên trong dòng họ đã tham gia sinh hoạt trên nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh”. Các hộ tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Có thể thấy, "Dòng họ số” bước đầu đã góp phần quan trọng làm thay đổi đời sống của dòng họ, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số. Thời gian tới, để "Dòng họ số” thành công và lan tỏa hơn nữa cần sự nỗ lực chung tay của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân và các dòng họ. Từ những mô hình sáng tạo trong chuyển đổi số này, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Văn Chấn sẽ thành công, góp phần đắc lực vào mục tiêu chuyển đổi số chung của tỉnh, đưa quê hương Yên Bái ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Lê Thương

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/328334/van-chan-voi-nhung-dong-ho-so.aspx