Vận chuyển chất ma túy qua đường hàng không có chiều hướng tăng nghiêm trọng
Một vấn đề nổi lên trong đầu năm 2023 là hoạt động mua bán, vận chuyển các chất ma túy đường hàng không quốc tế gia tăng cả về số vụ việc và khối lượng tang vật
Tội phạm ma túy có chiều hướng tăng nghiêm trọng
Thông tin tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và tổng kết Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tính đến 10/5/2023, riêng tuyến hàng không, lực lượng hải quan đã bắt trên 500 kg ma túy với gần 60 đối tượng.
Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có kiến nghị tới các địa phương, nhất là TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh có các sân bay quốc tế trọng điểm, kiên quyết yêu cầu các hãng hàng không, các hãng vận chuyển thực hiện cung cấp các thông tin về hàng hóa, hành khách, hành lý trước cho lực lượng chức năng thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia để phân loại, đánh giá phân tích, kết hợp với các thông tin nghiệp vụ khác để nâng cao hiệu quả đấu tranh bắt giữ. "Trong các sân bay, hải quan sẽ tăng cường soi chiếu, phát hiện vi phạm. Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội để bổ sung máy soi cho lực lượng hải quan để phục vụ nhiệm vụ này" - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông tin.
Tại một số địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Trị…, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong thị trường nội địa hoạt động có tính tổ chức chặt chẽ theo đường dây, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc phát hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển khiến cho việc xác minh, truy tìm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm khi bị phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, quý 1 năm 2023 đơn vị đã phát hiện và xử lý 50 vụ vi phạm pháp luật về hải quan trên địa bàn quản lý. Đơn vị đã phối hợp và khởi tố 1 vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, hiện nay đã chuyển cơ quan chức năng thực hiện các bước điều tra tiếp theo theo quy định pháp luật.
Đơn cử, Chi cục đã phối hợp với PC04 Công an TP.Hà Nội, C04 Bộ Công an thực hiện thu giữ 240 kg ma túy và 5 đối tượng. Đặc biệt trong hai ngày 19 và 20/2, qua đấu tranh đã phát hiện thu giữ 6kg cocain, 105 kg ma túy tổng hợp của đối tượng nước ngoài và đối tượng từ Ba Lan vận chuyển qua đường hành lý về Việt Nam. Đối tượng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ theo quy định pháp luật.
Theo Hải quan Hà Nội, năm 2021, đơn vị đã chủ động phát hiện và phối hợp kịp thời với cơ quan Công an, các lực lượng kiểm soát phòng chống ma túy trong ngành Hải quan triệt phá rất nhiều đường dây, ổ nhóm. Qua đó đã phối hợp bắt giữ 160 kg ma túy các loại, bắt giữ 21 đối tượng, triệt phá nhiều đường dây ổ nhóm vận chuyển ma túy từ Hà Nội đi các tỉnh.
Năm 2022, nhận định quy mô tính chất ngày càng tăng, Hải quan Hà Nội đã phối hợp với lực lượng Công an như: Công TP. Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04-Bộ Công an), công an các tỉnh, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai triệt phá nhiều chuyên án, bắt giữ khối lượng rất lớn các chất ma túy cùng đối tượng, gồm 372kg ma túy các loại và 39 đối tượng. Đặc biệt, chỉ tính riêng 4 tháng năm 2023, Hải quan Hà Nội đã phát hiện và kịp thời chủ động, phối hợp với cơ quan Công an xác lập 5 chuyên án, phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04 - Công an TP. Hà Nội) và các đơn vị chuyên trách về phòng chống ma túy phía Bắc, phía Nam, Công an các tỉnh triệt phá rất nhiều đường dây, trong đó thu giữ 517 kg ma túy các loại.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an, hai lực lượng đã phối hợp bắt giữ không chỉ tang vật, hàng hóa mà còn quyết liệt truy bắt được các đối tượng. Tuy vậy, đây là việc “rất vất vả” vì các đối tượng liên quan đến ma túy thường rất manh động, trang bị vũ khí nóng. Ngoài ra, việc truy bắt phải trải qua nhiều tỉnh, thành phố, yêu cầu lực lượng hải quan và công an các địa phương phải phối hợp rất chặt chẽ.
Xây dựng “kịch bản” chống buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với tình hình
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại; việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong kinh doanh là xu hướng tất yêu và ngày càng phát triển phong phú, đa dạng; nhu cầu mua sắm hàng hóa, chăm sóc sức khỏe của người dân bằng hình thức online, trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện... ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình trên tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương bám sát phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Đồng thời, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Áp dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Giáo dục cán bộ, công chức, sỹ quan nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tham gia tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Thủ tướng yêu cầu, người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao tuyệt đối không được tiếp tay, bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp quản lý nghiêm cấp dưới, tránh tuyệt đối những hoạt động liên quan đến lợi ích, cám dỗ vật chất. Các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ cần tiếp tục trau dồi nghiệp vụ để phù hợp xu thế hiện nay; đồng thời có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng.
Song song với đó, biểu dương, đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khích lệ, động viên tinh thần, lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.