Ván cờ mới ở Kavkaz và Trung Á sau biến cố Afghanistan
Khu vực Kavkaz và vùng Trung Á đang sôi động hơn bao giờ, với nhiều chuyển động, kết nối, tập hợp lực lượng sau các biến cố ở Afghanistan và cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần 2.
Bàn cờ chính trị trên lục địa Á-Âu là một chuyển động không ngừng với tốc độ chóng mặt.
Sau cú sốc Afghanistan (khi Taliban nhanh chóng lên nắm quyền), chúng ta thấy một sự kết nối ngày càng tăng giữa sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cũng như các vai trò nổi bật của Nga, Trung Quốc, và Iran. Đây đều là các cột trụ của Đại ván cờ mới.
Iran dưới tân chính quyền Raisi đang trên hành trình tăng cường thương mại và hội nhập kinh tế với EAEU. Trụ cột “hướng Đông” của Tehran ngụ ý tăng cường an ninh chính trị và an ninh lương thực.
Vùng biển Caspia đóng vai trò quan trọng ở đây. Các tuyến thương mại biển liên Caspia hoàn toàn né được các lệnh trừng phạt của Mỹ.
An ninh chiến lược mới của Iran ở biển Caspia sẽ mở rộng ra và đem lại lợi ích cho Afghanistan – đất nước giáp 2 trong số 5 láng giềng vùng Caspia, đó là Iran và Turkmenistan.
Quá trình hội nhập Á-Âu đang diễn ra có hành lang Liên Caspia làm điểm nút chính, từ Tân Cương ở Trung Quốc đi xuyên qua Trung Á, tới Thổ Nhĩ Kỳ, tới Đông Âu.
Một phần của dự án hành lang này đang do CAREC thực hiện. CAREC là viết tắt bằng tiếng Anh của Hợp tác Kinh tế Khu vực Trung Á. Nhóm này gồm Trung Quốc, Mông Cổ, Pakistan, Azerbaijan, Gruzia, 5 nước Trung Á, và Afghanistan.
BRI cũng đang phát triển hành lang riêng thông qua các nước Trung Á và đi tới Iran.
Dự án Xuyên Caspia sẽ chạy song song và bổ sung cho các hành lang BRI hiện hành.
Biển Caspia là một giao lộ kết nối đồng thời Trung Á, Nam Kavkaz, và Tây Á, cùng phía bắc và phía nam của lục địa Á-Âu.
Hội đồng Turk
Bốn tháng trước, Ngoại trưởng Kyrgyzstan - Ruslan Kazakbaev, thăm Baku (Azerbaijan) đề xuất một quan hệ đối tác chiến lược gọi là 5+3 giữa các nước Trung Á và Nam Kavkaz. Nhưng có chút trục trặc ở đây. Cả Turkmenistan và Azerbaijan là các thành viên của Đối tác vì Hòa bình của NATO, đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng Turk. Phức tạp hơn, Nga có quan hệ đối tác chiến lược với Azerbaijan.
Hội đồng Turk có 5 quốc gia thành viên (nói ngôn ngữ họ Turk) là Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kazakhstan, Uzbekistan, và Kyrgyzstan, phản ánh chủ nghĩa liên Turk, với sự nhấn mạnh vào quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan trong khái niệm “một dân tộc, hai quốc gia”.
Hội đồng Turk có tham vọng lớn, đang tích cực lôi kéo Afghanistan, Turkmenistan, Ukraine, và Hungary tham gia.
Nga, Trung Quốc, và Iran không hẳn là hoan nghênh mô hình 5+3 nói trên. Tất cả 8 thành viên của khối này đều là thành viên của Đối tác vì Hòa bình của NATO, trong khi một nửa (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Armenia) lại đồng thời là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mang tính đối trọng, do Nga lãnh đạo.
Hình thế mới
Không có bằng chứng nào cho thấy Ankara sẽ có khả năng kiểm soát các hành lang dầu khí hoặc tác động lên việc mở cửa Caspia cho các lợi ích của phương Tây. Moscow nhận thức rất rõ về hoạt động tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan ở Baku.
Về phần mình, Pakistan có thể có quan hệ gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ và cặp đôi Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan. Nhưng điều đó không ngăn được Islamabad đạt một thỏa thuận quân sự lớn với Tehran.
Theo thỏa thuận trên, Pakistan sẽ huấn luyện các phi công chiến đấu cơ của Iran, còn Iran sẽ huấn luyện đặc nhiệm chống khủng bố của Pakistan. Không quân Pakistan có một chương trình đào tạo mang đẳng cấp thế giới, còn Iran có kinh nghiệm thượng hạng trong các hoạt động chống khủng bố ở Iraq và Syria cũng như ở các vùng biên giới nhạy cảm với cả Pakistan và Afghanistan.
Cặp đôi Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan nên nhận thức rõ rằng giấc mơ của Baku trở thành một trung tâm vận tải và thương mại của vùng Kavkaz chỉ có thể hiện thực hóa trong sự điều phối sát sao với các đối tác khu vực.
Vẫn tồn tại khả năng hành lang Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan mở rộng vào lõi vùng Trung Á. Nhưng các biện pháp mạnh tay gần đây của Baku sau khi giành được chiến thắng quân sự ở vùng Nagorno-Karabakh có thể cản trở khả năng đó.
Hành lang Vận tải Bắc-Nam Quốc tế (INSTC) gồm các tuyến đường sắt, đường bộ, và đường thủy với tổng khoảng cách 7.200km, kết nối Nga, Iran, Trung Á, Kavkaz, Ấn Độ, và Tây Âu. Hành lang INSTC này rẻ hơn ít nhất 30% và ngắn hơn 40% so với các tuyến vòng vèo hiện hành.
Hiện có 2 phe xung khắc với nhau ở đây. Phe thứ nhất gồm Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan, phe thứ hai gồm Ấn Độ và Iran.
Ấn Độ và Iran quyết định rằng INSTC sẽ đi qua Armenia chứ không phải Azerbaijan, để tới Nga. Đây là tin tức không tốt lành đối với cả Ankara và Baku./.