Vẫn còn 33 triệu lao động bấp bênh, gần như không được hưởng các chế độ an sinh

Số lao động này hầu hết trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động.

Số lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Số lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Thực tế này được Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu tại báo cáo một số ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thuộc lĩnh vực phụ trách.

Nửa nhiệm kỳ qua, một trong những hạn chế được Ủy ban chỉ ra là thể chế phát triển thị trường lao động tuy đã được triển khai nhưng còn chậm, chưa khắc phục được những bất cập đã tồn tại nhiều năm qua về mất cân đối cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động theo ngành, nghề, vùng trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; chất lượng lao động, chất lượng việc làm còn thấp.

Tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động quốc gia, kết nối cung - cầu lao động triển khai còn chậm…

Đây tiếp tục là điểm nghẽn cần tháo gỡ để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Ủy ban Xã hội nhận định.

Đáng chú ý, theo cơ quan của Quốc hội, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức trong nền kinh tế vẫn khá cao. Hiện có 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 64,6% trong tổng số việc làm của nền kinh tế.

Số lao động này hầu hết trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động, do đó, hầu như không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức.

Riêng năm 2023, Ủy ban Xã hội nhận định, số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II/2023 là 65,1%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ lao động phi chính thức tăng lên ở hầu hết các vùng kinh tế - xã hội, đặc biệt ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, tỷ lệ lao động phi chính thức của hai vùng này lần lượt là 55,8% và 47,5%, tương ứng tăng lần lượt là 0,4 và 1,9 điểm phần trăm so với quý trước.

Người lao động vẫn tiếp tục bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày..., cơ quan của Quốc hội nhìn nhận.

Tình trạng mất cân đối về cung - cầu lao động cũng được báo cáo để cập, như lao động trẻ tập trung về các thành phố lớn để tìm việc, các tỉnh lẻ hoặc khu vực vùng sâu vùng xa gần như không còn lực lượng lao động để phát triển kinh tế. Người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường.

Hoạt động dự báo cung - cầu lao động chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, doanh nghiệp. Dữ liệu nhiều nhưng chưa được quy về một mối, doanh nghiệp, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý nhà nước chưa sẵn sàng chia sẻ, cung cấp cho nhau, báo cáo nêu.

Ủy ban Xã hội cũng cho biết, chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 chỉ dự kiến thực hiện đạt được 27-27,5%, xấp xỉ đạt kế hoạch được giao (27,5%) của năm 2023 và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo có thể không đạt chỉ tiêu này.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,0 triệu người, chiếm 26,8%, tăng gần 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, còn khoảng 38 triệu người chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là vấn đề cấp bách cần có chính sách hiệu quả trong thời gian tới, cơ quan của Quốc hội nhấn mạnh.

Về dự kiến kế hoạch năm sau, Ủy ban Xã hội cho rằng cần nỗ lực thực hiện thực chất các chỉ tiêu năm 2024. Đó là, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 28%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Bên cạnh đó, nên nghiên cứu nâng mục tiêu số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2024 vì thị trường xuất khẩu lao động có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/van-con-33-trieu-lao-dong-bap-benh-gan-nhu-khong-duoc-huong-cac-che-do-an-sinh-d201370.html