Vẫn còn 4 bộ ngành 'giải ngân 0 đồng'

Giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng khá tích cực, đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, vẫn còn có 33 bộ, cơ quan, 29 địa phương giải ngân thấp hơn trung bình cả nước, trong đó còn 4 cơ quan chưa giải ngân đồng nào.

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 5/2024, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 634.6000 tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 7.300 tỷ đồng (của 21 bộ, cơ quan và 20 địa phương), vốn cân đối ngân sách địa phương là 21.800 tỷ đồng (của 24 địa phương).

Hiện nay, theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp số vốn chưa phân bổ đến ngày 15/5/2024 để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ, dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng; dự án chưa được bố trí vốn ngân sách trung ương năm 2024 có nhu cầu bổ sung vốn để bảo đảm tiến độ; nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư mới được giao kế hoạch trung hạn, có khả năng thực hiện và giải ngân ngay.

Chính phủ vẫn tiếp tục hối thúc việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Chính phủ vẫn tiếp tục hối thúc việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Trong khi đó, về vốn giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - dựa trên số liệu của Bộ Tài chính - cho biết, ước giải ngân đến 31/5/2024 đạt khoảng 148.300 tỷ đồng, đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với con số 22,22% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, vốn trong nước là trên 146.750 tỷ đồng, đạt 22,79% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 1.534 tỷ đồng, đạt 7,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Riêng đối với nguồn vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước tỷ lệ giải ngân tốt, đạt 61,93% kế hoạch triển khai. Trong đó, nguồn Chương trình Phục hồi của các bộ, cơ quan trung ương đạt 81,44%.

Tính theo tỷ lệ giải ngân, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 10 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước (22,34%). Trong đó, đặc biệt có 4 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, tức là giải ngân ‘0’ đồng.

Để thúc đẩy giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

“Phải quyết liệt, chủ động, thực sự vào cuộc thực chất hơn và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nói như vậy.

Theo Bộ trưởng, các bộ ngành, địa phương cần tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Thậm chí, cần thiết thì thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

“Cần chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị.

Cùng với đó, tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm…

Năm nay, mục tiêu đặt ra vẫn là giải ngân 95% vốn kế hoạch được giao, qua đó hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/van-con-4-bo-nganh-giai-ngan-0-dong-d216574.html