Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Nhiều ý kiến tâm huyết và đột phá
Tiếp tục chương trình đợt 2, Kỳ họp thứ 7, hôm nay (20/6), Quốc hội bàn thảo nhiều nội dung quan trọng liên quan tới Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Sau khi xem video về Quy hoạch Thủ đô, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Mở rộng tầm nhìn giao thông cho Thủ đô
Là người đầu tiên bấm nút xin phát biểu góp ý vào đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Hà Nội cho biết, ông rất mừng khi cầm trên tay 2 văn bản của Chính phủ và thành phố Hà Nội trình để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
“Có thể nói đây là 2 văn bản rất trí tuệ, rất trách nhiệm, chứa đựng nhiều khát vọng của nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng như của cả nước. Tôi rất mong các đại biểu Quốc hội tích cực đóng góp, Ban soạn thảo tích cực tiếp thu, sửa chữa để bản quy hoạch và đồ án được Quốc hội thông qua như tiến độ đã đề ra”, ông Trí nói.
Về vấn đề quy hoạch lại thành phố, ông Trí cho rằng, cần phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi xảy ra cháy nổ hay các sự cố nghiêm trọng khác.
“Phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội. Vấn đề này cần phải bàn với dân để tìm sự đồng thuận cao. Nhà ống đã tồn tại mấy chục năm nên rất khó xử lý, sửa chữa. Chúng ta cần hạn chế dần, không cho phép xây mới và quy hoạch lại để thay đổi”, ông Trí nói.
Về phát triển đường trên cao, ông Trí đề nghị chỉ xây dựng ở ngoài, còn trong phố đông đúc và có nhiều nhà cao tầng thì nên hạn chế tối đa vì sẽ cản tầm nhìn và mất mỹ quan tổng thể.
“Về quy hoạch hệ thống y tế ở Thủ đô, cần phải thấy được rằng đây là quy hoạch y tế không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà là quy hoạch cho một miền, thậm chí cả nước, vì hầu hết các bệnh viện lớn và đầu ngành đều tập trung ở đây. Các bệnh viện lớn, đặc biệt là chuyên khoa thì nên có những trung tâm y khoa, trong đó có các viện chuyên khoa để phối hợp với nhau tốt hơn. Việc mở rộng nên hướng ra ngoại vi với hệ thống đường xá tốt và có sân bay. Các bệnh viện đa khoa dưới 500 giường phải có ở các quận, huyện. Các phòng khám đa khoa phải có ở khắp các khu dân cư, tạo nên một hệ thống phục vụ trực tiếp cho dân, khi ốm đau dù nặng hay nhẹ cũng cần chỉ khoảng 15 phút là đến nơi”, ông Trí nêu kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đồng ý với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp từng nói nhiều lần về giao thông cần chú ý các điểm: Phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD nhất là ngoại vi, kết nối vùng miền cả nước với tất cả các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không...
“Ở ngoại vi nơi có núi non, đồng bằng thì nên làm cầu cạn kết nối với các vùng miền khác để tránh phá vỡ tự nhiên và tiết kiệm được nguyên vật liệu. Nhiều đại biểu trước đây cũng đồng tình với ý kiến về việc làm cầu cạn như vậy”, ông Trí nói.
Về không gian ngầm cần có một đồ án riêng, nên mời chuyên gia thật giỏi, có thể là quốc tế ở các nước tiên tiến để làm quy hoạch và vẽ đồ án.
Đại biểu Trí cũng đóng góp một số nội dung về vấn đề phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô về sự phân bổ hài hòa các không gian về sinh thái, văn hóa, lịch sử, đô thị hiện đại ở hai bờ sông.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn Thái Bình cho biết ông đánh giá rất cao Đồ án Quy hoạch Thủ đô đến năm 2065 của Ban soạn thảo, tuy nhiên đại biểu có một số ý kiến.
Tầm nhìn quy hoạch đến năm 2065 là bằng thủ đô của các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng đại biểu thắc mắc: “Bằng các thủ đô trên thế giới bây giờ hay đến tầm đó bằng người ta?”.
“Đến 2065 chúng ta bằng các nước tại thời điểm đó hay là bằng họ bây giờ, việc này trong quy hoạch cũng phải nêu rõ”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Thân cho rằng, trong phần 5 của nội dung chủ yếu về đồ án điều chỉnh quy hoạch là áp dụng mô hình thành phố trong thủ đô, ông có ý kiến ngược lại - muốn Thủ đô trong thành phố Hà Nội, Thủ đô Hà Nội trong thành phố Hà Nội.
“Ý của tôi là nên chăng các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội, còn Hà Nội là thành phố Hà Nội, gồm tất cả, kể cả Thủ đô Hà Nội và các khu vực khác. Bởi vì, như vậy nhà nước chúng ta mới có nguồn lực để tập trung vào Thủ đô”, ông Thân nêu quan điểm.
“Thủ đô Hà Nội phải là trung tâm chính trị, văn hóa chứ không thể là trung tâm chính trị, kinh tế được. Nếu tư duy như thế, chúng ta sẽ phát triển Thủ đô Hà Nội nằm trong thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, như Tổng Bí thư và Thủ tướng vừa nói và chúng ta xem qua video clip”, ông Thân nói.
Đại biểu cho rằng TP Hà Nội đã làm rất tốt khi đầu tư hơn 1.000 tỷ cho khu vực di tích và cần thiết phải làm nhiều nữa.
“36 phố phường chúng ta cứ để nguyên như thế, bây giờ ở nội thành chúng ta xây những tòa nhà cao tầng sẽ rất nguy hiểm”, ông Thân nói.
Nhấn mạnh 6 nội dung mới Quy hoạch Thủ đô lần này
Để làm rõ thêm một số vấn đề không chỉ liên quan đến quy hoạch tổng thể, quy hoạch lâu dài, những vấn đề chung về phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề phát triển đô thị, xây dựng đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đối với đồ án này có 6 nội dung mới cần nhấn mạnh.
Thứ nhất, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch.
Đồ án lần này được điều chỉnh gắn với các chiến lược phát triển như hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững cũng như xác lập các cơ chế năng động và đặc thù cho Thủ đô.
Thứ hai, điểm mới có của đồ án lần này là từ thực tế phát triển và qua rà soát, đánh giá chúng ta điều chỉnh dự báo phát triển cho Thủ đô để phù hợp với quy hoạch Thủ đô như đã báo cáo Quốc hội tại buổi họp ngày hôm nay.
Thứ ba, chúng ta đã kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị. Cấu trúc đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị như đã báo cáo trong tài liệu cũng như trên clip đã báo cáo trước Quốc hội, đó là vùng đô thị trung tâm, vùng đô thị phía Đông, vùng đô thị phía Bắc, vùng đô thị phía Tây, vùng đô thị phía Nam và hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh cũng như liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm.
Thứ tư, trong đồ án lần này chúng ta đặt vấn đề kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn. Với đồ án lần này, chúng ta xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn cũng như phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô như ý kiến của đại biểu Quốc hội vừa góp ý.
Lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cũng được làm rõ trong đồ án lần này.
Thứ năm, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh để phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô cũng như để phù hợp với định hướng phát triển trong các quy hoạch ngành quốc gia đã xác định cho từng giai đoạn để chúng ta đảm bảo kết nối hạ tầng vùng, phát triển giao thông công cộng thông minh cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật khác.
“Điểm mới thứ sáu là tập trung cho công tác cải tạo, tái thiết đô thị và nông thôn. Đối với khu vực nội đô, khu vực đô thị hiện trạng, đối với làng xóm được đô thị hóa như ý kiến của đại biểu Quốc hội vừa phát biểu, quan tâm đến cải tạo khu vực nội đô, cải tạo các khu dân cư, các khu chung cư cũ... Lần này, đồ án đã đặt ra nội dung này và làm rõ”, Bộ trưởng cho biết.
Ngoài 6 điểm mới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung đồ án cũng đã xác định rõ các chương trình, dự án trọng tâm, đột phá. Như báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội, chúng ta tập trung làm rõ mối liên hệ, vai trò, vị trí mỗi liên kết vùng của Hà Nội để tập trung, chia sẻ chức năng của Thủ đô Hà Nội đối với các địa phương trong vùng để đảm bảo khai thác tối đa, hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong vùng.
Một điểm nữa, quy hoạch này cũng thể hiện tập trung cho cải thiện môi trường cho Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục ô nhiễm môi trường trong không khí, môi trường nước cũng như các vấn đề ô nhiễm môi trường khác ở Thủ đô bằng việc thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển xanh, chuyển đổi xanh, giảm thiểu các nguồn ô nhiễm như chuyển đổi hình thức giao thông công cộng, chuyển đổi công nghệ sản xuất cũng như cho công nghệ xử lý rác thải, nước thải đầu tư cho Thủ đô theo từng giai đoạn.
“Trong quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật lần này cũng tập trung xác định rõ để khắc phục những điểm nghẽn cho Thủ đô cũng như là đảm bảo yếu tố phát triển bền vững cho Thủ đô trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.